THCL Mặc dù là thị trường tiêu thị rau rất lớn, song Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng thiếu rau an toàn. Thực tế, nhiều cơ sở SXKD không bảo đảm ATVSTP, đánh mất niềm tin đối với NTD.
RAT đáp ứng 40%?
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất rau của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu NTD, trong đó rau an toàn (RAT) đáp ứng khoảng 40% nhu cầu NTD? Tiềm năng tiêu thụ RAT rất lớn với 10 triệu NTD, trong đó dân số 7,2 triệu người, dân số vãng lai gần 3 triệu người. Nông dân được huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chuyển giao tiến bộ KH-KT trên rau liên tục 20 năm - là nền tảng nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT.
Tuy nhiên, diện tích chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong sản xuất mới đạt 40% tổng diện tích canh tác rau. Đặc biệt, quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200.000 hộ dân. Diện tích 5.000 ha đã chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP có 80.000 hộ dân sản xuất rau với 30% số hộ được huấn luyện IPM, còn 7.000 ha chưa chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP có khoảng 120.000 hộ dân sản xuất rau, tỷ lệ hộ dân được huấn luyện IPM rất thấp.
Trong khi đó, để sản xuất RAT, nông dân phải có kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp IPM (học thực tế, thực hành trên đồng ruộng), các thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, truyền thông để thay đổi tập quán canh tác, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV, áp dụng quy trình kỹ thuật và thực hiện các quy định về ATVSTP.
Điều đáng quan ngại, số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV không ngừng tăng lên. Hiện có 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm; các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc BVTV liên tục quảng cáo với nhiều hình thức và chính sách khuyến mại hấp dẫn. Diễn biến phức tạp của sâu bệnh làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc BVTV, đặc biệt đối với các hộ chưa được huấn luyện về IPM.
Bên cạnh đó, nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm ATVSTP chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho DN, NTD trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT.
Đầy rẫy bất cập
Hệ lụy, NTD khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có rất ít DN kinh doanh, tiêu thụ…
Từ đó, NTD thiếu lòng tin với RAT khi không thể phân biệt RAT với rau không an toàn bằng cảm quan (chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các DN). Tuy nhiên, có rất ít DN tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, kèm theo đó là nhiều bất cập như giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi (xa nơi ở, phải gửi xe, bán vào thời điểm đi làm) dẫn tới phá sản.
Thêm vào đó, liên kết giữa DN, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTX nông nghiệp rất hạn chế: mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cho nên hầu hết không dịch vụ đầu ra cho nông dân…
Luật ATTP đã ban hành, NĐ số 38/2012/NĐ-CP phân chia trách nhiệm đối với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, nhưng chưa có quy định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ rau lưu thông, thương mại; trong khi nông dân sản xuất rau quy mô nhỏ, rau đa số bán rong, bán tại các chợ xanh, chợ cóc, khu dân cư rất khó truy xuất nguồn gốc và việc quy đầu mối trách nhiệm trở nên không khả thi. Trong khi đó, hệ thống chứng nhận chất lượng RAT như VietGap chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật rất phức tạp, chi phí áp dụng rất cao nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận.
Thiết nghĩ, RAT ở Hà Nội vẫn mãi chỉ là mong ước, nếu những bất cập trên không sớm được quan tâm giải quyết dứt điểm.
Gia Linh