Thực hiện Nghị quyết số 04/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Vĩnh Phúc tiếp tục cải cách và đơn giản hóa các TTHC theo cơ chế "một cửa liên thông" trong quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), cấp phép đầu tư, thuê đất và giải quyết các đề nghị của DN một cách nhanh chóng, đầy đủ và thiết thực.
Theo đó, tỉnh công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh (SXKD) trong điều kiện đảm bảo quy hoạch; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN thông qua Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho các DN...
Các chính sách này tạo điều kiện hỗ trợ các DN giảm chi phí bằng tiền và chi phí thời gian, nhất là trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. Trong giai đoạn 2013 - 2020, số lượng DN đăng ký tăng mạnh với hơn 7.200 DN, gấp gần 1,5 lần so với tổng lũy kế DN đến cuối năm 2012.
Tuy nhiên, số lượng DN, nhất là DNNVV tham gia vào chuỗi liên kết cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế, chưa phát huy được lợi thế sẵn có của tỉnh.
Dịch vụ pháp lý hỗ trợ DN tại tỉnh như: Kế toán, kiểm toán, tư vấn, đại lý thuế, hải quan, tìm kiếm thông tin thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các DN.
Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đội ngũ chuyên gia tư vấn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nhiều DN phải liên hệ với dịch vụ tư nhân tư vấn pháp lý để được hỗ trợ giải quyết TTHC.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vĩnh Phúc mới đạt khoảng 22%, thấp so với các địa phương khác như Hà Nội 46,7%, Quảng Ninh 35,1%, Hải Phòng 31,1%, Bắc Ninh 27,9%.
Trong đó, lao động phổ thông của tỉnh chiếm hơn 52%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng đạt 12%, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ và tin học.
Cùng với đó, số lượng DN đang hoạt động không nhiều (tỷ lệ DN đang hoạt động/1000 người dân của Vĩnh Phúc là 6,52 trong khi trung bình cả nước tỷ lệ này là 7,6 DN/1000 người dân). Số DN này hầu hết có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tập trung ở lĩnh vực xây dựng, thương mại và dịch vụ.
Việc triển khai mô hình chính phủ điện tử trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ, hạn chế tích hợp, liên thông dẫn đến một số chỉ số xếp hạng của tỉnh như: ICT Index, chỉ số CCHC chưa cao.
Thực tế, khả năng cạnh tranh của tỉnh đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khả năng kết nối về cơ sở hạ tầng và công nghệ yếu khi chi phí sử dụng hạ tầng công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; một số khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong BT - GPMB làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh giảm dần trong những năm gần đây.
Cụ thể, giai đoạn 2016- 2020, chỉ có năm 2016, Vĩnh Phúc xếp ở vị trí thứ 9 thuộc nhóm tốt, còn các năm sau đó đều không giữ được vị trí này, bị tụt hạng và nằm trong nhóm khá.
Xếp thứ 12 (năm 2017), thứ 13 (năm 2018), thứ 17 (năm 2019) và tụt 12 bậc, xếp thứ 29 (năm 2020). Hầu hết các chỉ số thành phần đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh là các chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức và Tiếp cận đất đai.
Chi phí sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng, mặt bằng SXKD là chi phí mà DN cho là nhiều nhất, xét cả trên phương diện bằng tiền và thời gian. Các chi phí khác như nộp thuế, tiếp cận tín dụng, xin giấy phép xây dựng do TTHC còn phức tạp, cũng đòi hỏi DN phải tốn nhiều tiền và thời gian để chuẩn bị cũng như chờ đợi xét duyệt.
Để giảm thiểu chi phí đầu tư kinh doanh cho DN, nhằm thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số PCI, tỉnh cần tiếp tục đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ DN; tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics để giảm chi phí kết nối, vận chuyển của DN với các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay.
Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KHCN để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ công nghệ vào việc cải thiện các TTHC, thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và bộ máy quản lý Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển công nghệ, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao.
Trước mắt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sẽ kéo theo khó khăn về KT - XH, tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác giữa các DN của tỉnh với các DN FDI.
Tỉnh Vĩnh Phúc cần tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số DNNVV có tiềm lực về tài chính, trình độ công nghệ sản xuất hiện đại. Hình thành một số cụm liên kết ngành trên địa bàn tỉnh trong tương lai để nâng cao hiệu quả và phát triển công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu...
Lưu Nhung