THCL Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) vừa tổ chức Hội thảo “Tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam”. Điều này một lần nữa tái khẳng định, FDI đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam những năm qua.

DN nội vẫn là chủ đạo

Theo tính toán, FDI trong hơn 26 năm qua đã chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 45% giá trị sản xuất, 65% giá trị xuất khẩu, 20% GDP, 20% thu ngân sách. Đặc biệt, thông qua dòng vốn FDI sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh chóng trình độ kỹ thuật, công nghệ từ đó tăng năng suất lao động của các ngành, tăng tỷ trọng trong nền kinh tế…

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh: “Từ chỗ chưa được công nhận, đến nay khu vực FDI đã được công nhận là một thành phần của kinh tế Việt Nam. Tuy mức đóng góp chưa phải là cao, nhưng từ chỗ không có gì, có được mức đóng góp như hiện nay là rất quý. Muốn đất nước phát triển, phải mở cửa để dòng tiền vào, làm sao tất cả cùng phát triển".

Nhắc đến luồng dư luận cho rằng FDI được hưởng nhiều biệt đãi, ông Đỗ Nhất Hoàng phản bác: Tôi không đồng tình quan điểm cho rằng chúng ta đang ưu đãi FDI hơn DN trong nước. Bởi lẽ, Luật Đầu tư đã áp dụng chung cho tất cả thành phần kinh tế, các thủ tục gia nhập thị trường cũng chung, nguồn lực đất đai, lao động được tiếp cận như nhau. Thậm chí, khu vực FDI chúng ta còn có những lĩnh vực bị hạn chế.

Thừa nhận tầm quan trọng của FDI, nhưng ông Đỗ Nhất Hoàng cũng không quên nhắc nhở rằng các DN trong nước vẫn là chủ đạo cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, bởi lượng DN này chiếm tới 99% số DN trong nền kinh tế.

Khu vực FDI còn nhiều vấn đề

TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Trong dài hạn, việc Việt Nam trở thành một “công xưởng” mới của ASEAN là có thể. Nhưng điều quan trọng hơn là “công xưởng” ấy phải tạo ra tác động tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Do vậy, vấn đề thu hút FDI mới cần có sự cân nhắc kỹ càng, không nên dễ dãi như trước.

Thực tế, có một số dự án FDI để lại hệ lụy xấu cho Việt Nam như gây ô nhiễm môi trường, bóc lột nhân công quá mức khi thu nhập quá rẻ mạt và điều kiện sống chưa đảm bảo. Chiến lược thu hút FDI đòi hỏi khắt khe hơn, suy tính hơn để có được nguồn vốn hiệu quả nhất.

Một điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù thu hút FDI vào nhiều, nhưng năng lực hấp thu của chúng ta còn hạn chế. Mỗi năm, dòng vốn FDI giải ngân chỉ vào khoảng 10 - 11 tỷ USD và nhiều năm có khoảng cách rất xa so với lượng vốn FDI đăng ký. Thách thức ở đây là làm sao tạo điều kiện để thực hiện giải ngân tốt hơn, hấp thụ tốt hơn. Điều này cũng liên quan đến vấn đề năng lực thể chế, kỹ năng quản lý và tay nghề lao động, hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ cũng như một số vấn đề liên quan tới môi trường kinh doanh - đầu tư tại các địa phương.

Điều đáng lo ngại nữa, khu vực FDI còn nhiều vấn đề, song bản thân DN nội cũng không khác mấy khi chỉ gia công, làm thuê với giá trị gia tăng thấp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đây là những điểm yếu ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước, khiến họ ít tận dụng được những cơ hội do mở cửa đem lại và đang “thua” trên thị trường trong nước ở nhiều lĩnh vực.

“Nhiều DN khi vào Việt Nam có xu hướng kéo theo các DN nhỏ trong mạng lưới hoạt động, công nghiệp hỗ trợ của mình. Bởi vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành địa điểm cho thuê cơ sở sản xuất và nguồn nhân công giá rẻ, không tiến sâu hơn được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Sang phân trần.

Bùi Quyền