tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Nhiều nước trên thế giới hiện nay đang đặt ra những quy định liên quan đến tiêu chí xanh hóa đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh, đạo luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Việc thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn hay Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn sẽ là thách rất lớn khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ nguồn lực, kiến thức để áp dụng.

Với quy định của CBAM, từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Như vậy trong ngắn hạn Việt Nam có 4 ngành hàng sẽ chịu tác động từ CBAM gồm (sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm) khi xuất sang thị trường EU. Đáng chú ý, các sản phẩm từ sắt thép sẽ chiếm khoảng 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu trên. Ngoài ra các quốc gia khác như Mỹ, Canada… cũng đã và đang tiếp tục áp dụng, kiểm kê chặt chẽ các tiêu chí xanh trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Không chỉ có nhóm ngành hàng trên chịu áp lực từ Cơ chế CBAM, doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, hay dệt may cũng đang chịu áp lực lớn với chuẩn “xanh” từ các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Dệt may Việt Nam là một ngành xuất khẩu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm đã tiên phong thực hiện xanh hóa nguyên liệu và nhà máy trong sản xuất, nhưng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vẫn rất hiếm hoi.

Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều trong công cuộc sản xuất, phát triển xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nguyên liệu xanh, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là một trong các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giảm phát thải, bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững.

Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, thực hiện được điều này không chỉ có nỗ lực từ phía doanh nghiệp khi đầu tư tài chính để chuyển dịch năng lượng mà cần có công cụ chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ tạo đà cho chủ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình xanh hóa. Bởi thực hiện tiêu chí xanh gắn với kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn giúp các ngành hàng sản xuất trong nước tiến tới kế hoạch giảm phát thải nhà kính, đạt mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên hiện nay, các chính sách, cơ chế vẫn còn nhiều hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Để tháo gỡ những vướng mắc như thủ tục trong đầu tư lắp đặt, nguồn vốn nào hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển dịch năng lượng..., Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của VCCI sẽ phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế, chính sách (VEPR) VNU-UEB tổ chức Diễn đàn ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KHU CÔNG NGHIỆP: GIẢI PHÁP NÀO CHO DOANH NGHIỆP”.

Diễn đàn cũng sẽ thảo luận các ý kiến đề xuất giải pháp về bài toán xây dựng lộ trình phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và trung hòa carbon tại Việt Nam…

Chương trình sẽ được diễn ra từ 13h30 – 17h30, thứ  Năm, ngày 11/4/2024 tại Hội trường Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội với khách mời gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, các chủ đầu tư khu công nghiệp, các chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất quan tâm đến tham dự chương trình.

T. Hương (Nguồn: //www.moitruongvadothi.vn/)