Theo đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ tư vấn và thay mặt Nutifood quản lý xuyên suốt quá trình triển khai dự án, từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc và bàn giao.
Các hạng mục quản lý bao gồm: tổng thể dự án; công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; hợp đồng; thi công xây dựng; chi phí và quyết toán.
Bên cạnh việc ký kết hợp đồng tư vấn quản lý dự án, Nutifood sẽ tiếp tục lựa chọn nhà thầu để thực hiện các hạng mục khác của dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn như khảo sát xây dựng, tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn thẩm tra thiết kế...
Dự kiến, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn sẽ được Nutifood tiến hành khởi công chính thức vào ngày 30/4/2025, khánh thành vào năm 2027.
Vị trí xây dựng cầu bộ hành sẽ nằm giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với quận 1.
Phía quận 1, chân cầu dự kiến tại khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần phố Nguyễn Huệ. Bên Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.
Dự án Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với TP Thủ Đức được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu tháng 10/2024.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 996,9 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ nối khu vực Bến Bạch Đằng (quận 1) với Công viên Bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức). Theo thiết kế, cầu có chiều dài 261m, trong đó nhịp chính vòm treo dây văng dài khoảng 187m, được xây dựng bằng dầm thép và bê tông cốt thép. Mặt cắt ngang cầu có chiều rộng từ 7 - 11m, khổ thông thuyền là 80m x 10m, đảm bảo không gian thông thoáng cho giao thông thủy.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc mới của thành phố, mang giá trị gắn kết giữa hai không gian văn hóa lịch sử quận 1 và TP Thủ Đức. Cầu đi bộ sẽ kiến tạo thêm một không gian công cộng, thân thiện, an toàn, tiện nghi, tạo thành điểm đến mới cho người dân và du khách tham quan.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ có hình tượng lá dừa nước. Thiết kế này được đánh giá giúp tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông Sài Gòn, đưa hệ cột vào gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt.
An Nguyên (t/h)