hó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 5.471 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/10, đã giải ngân được 2.852 tỷ đồng, đạt 52,13% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (48,97%). Tuy nhiên, vẫn còn 2.619 tỷ đồng chưa được giải ngân. Trong số này, có 2.210 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2024, và 409 tỷ đồng kéo dài từ các năm trước chưa được giải ngân.

Hiện tại, có 16 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó một số đơn vị còn lại chưa giải ngân trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, 4 đơn vị có số vốn chưa giải ngân lớn (trên 45 tỷ đồng) mặc dù đã giải ngân vượt mức bình quân. Tổng số vốn chưa giải ngân của các đơn vị này chiếm 78,28% tổng số vốn chưa giải ngân của tỉnh. Trong đó, nguồn đầu tư công tập trung 30/74 dự án, nguồn Chương trình MTQG là 284/597 dự án.

Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp đáng chú ý bao gồm: Kỳ Sơn (còn 315,7 tỷ đồng chưa giải ngân), Tương Dương (còn 140,6 tỷ đồng) và Quế Phong (còn 138,7 tỷ đồng), Con Cuông (còn 113,16 tỷ đồng chưa giải ngân), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (còn 299,078 tỷ đồng chưa giải ngân).

Ngoài ra, có 4 cơ quan đơn vị giải ngân trên mức bình quân nhưng có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn (trên 45 tỷ đồng) gồm: Quỳ Châu (còn 81,861 tỷ đồng chưa giải ngân), Yên Thành (còn 46,243 tỷ đồng chưa giải ngân), Sở Giao thông vận tải (còn 394,2 tỷ đồng chưa giải ngân), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (còn 113,048 tỷ đồng chưa giải ngân).

11 cơ quan, đơn vị giải ngân chậm khác: Quỳ Hợp, TX Thái Hòa, Hưng Nguyên, Sở LĐTB&XH, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Nghệ An, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao (mỗi đơn vị có ít nhất 20 tỷ đồng và nhiều nhất hơn 80 tỷ đồng chưa giải ngân).

Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thiếu vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của thời tiết.

Về các chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG), chương trình xây dựng nông thôn mới còn lại 264 tỷ đồng chưa giải ngân, trong đó một dự án lớn vướng mắc hồ sơ khiến 82,49% số vốn của chương trình chưa được giải ngân. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lại 572 tỷ đồng chưa giải ngân, tập trung ở các huyện miền núi. Chương trình giảm nghèo bền vững cũng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, dẫn đến số vốn chưa giải ngân ở mức 290 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An yêu cầu các địa phương và đơn vị phải tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh. Ông nhấn mạnh rằng, việc bám sát kế hoạch, giải quyết nhanh các vướng mắc, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, các Sở, ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tối đa cho các đơn vị. Sở Tài nguyên và Môi trường cần ưu tiên thẩm định hồ sơ liên quan đến giải phóng mặt bằng và cấp phép khai thác vật liệu xây dựng. Trong khi đó, các cơ quan quản lý các chương trình MTQG cần nâng cao vai trò giám sát và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh để đảm bảo tiến độ giải ngân được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.

Lê Quyết