Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group: Tín hiệu xuất khẩu trái cây những tháng đầu năm 2023 rất tốt. Đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU vẫn duy trì. Cuối năm 2022, Công ty đã ký với doanh nghiệp đối tác tại thị trường Trung Quốc xuất khẩu 1.500 container sầu riêng. Đơn hàng sẽ được cung cấp trải đều trong cả năm.
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty cổ phẩn Ameii Việt Nam cho biết: Miền Bắc đang vào vụ Đông Xuân, Công ty đang thu mua và xuất khẩu các loại rau như cà rốt, bắp cải, hành tây, ớt sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Dubai, Trung Đông. Năm nay, công ty mới làm sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vì vừa được cấp mã số vùng trồng tháng 12/2022. Cùng với Trung Quốc, chúng tôi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường EU. Với các thị trường như Nhật Bản, EU, khách hàng thu mua định kỳ hàng tuần từ 01 – 03 tấn/tuần. Đơn hàng duy trì ổn định. Tín hiệu xuất khẩu rau quả, trái cây rất tốt.
“So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 30%. Cùng với các loại rau củ, Ameii Việt Nam cũng đang xuất khẩu các loại trái cây như sầu riêng, chanh không hạt sang thị trường EU, Nhật Bản, Trung Quốc”, bà Ngô Thị Thu Hồng nói.
Cũng theo bà Ngô Thị Thu Hồng: “Mấy năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu khó khăn. Tuy nhiên, sang năm nay, mọi thứ đã bình thường trở lại, xuất khẩu sẽ tốt hơn. Hiện, các mặt hàng của chúng ta đang vào mùa vụ, bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu được mở rộng thêm. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”.
“Với các khách hàng truyền thống, giá xuất khẩu sản phẩm thường duy trì ổn định. Đôi khi, cũng tùy thuộc vào từng thời điểm và yếu tố thời tiết, đối thủ cạnh tranh và thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang phải đối mặt đó chính là tình hình tài chính.
Hiện lãi suất vay vốn lưu động tăng vùn vụt, các doanh nghiệp đã kinh doanh là phải vay vốn lưu động. Chi phí lãi vay ‘nuốt’ hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi suất vốn vay lưu động hiện đang là 11 – 12%. Lãi suất vay mới chúng tôi không biết sẽ tăng lên đến bao nhiêu. Các doanh nghiệp kinh doanh chắc chắn sẽ phải vay vốn lưu động nhằm xoay vòng vốn liên tục. Do đó, ngân hàng phải sớm bình ổn, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Làm bao nhiêu, đi trả lãi vay hết thì chết’, bà Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đầu tháng 01/2023 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã có tín hiệu tốt, bởi thị trường này đã mở cửa trở lại giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này thuận lợi.
Hiện thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
Đối với thị trường trường EU, theo ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU, mỗi năm thị trường này nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần mà thị trường này đang nhập khẩu.
Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%, nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2022, cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021.
Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá, ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2022, tiếp theo là chủng loại chế biến từ trái dừa, trái cây các loại, hạt dẻ cười, dứa…
Trái cây tươi vẫn là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu hàng rau quả trong năm 2022, chiếm 61,02% tổng trị giá xuất khẩu.
Minh An (T/h)