Quần thể di tích-An Phụ
Dãy núi An Phụ dài khoảng 17km, kéo từ Tây sang Đông như một bức tường thành kỳ vĩ. Trên dãy núi huyền bí ấy, nổi lên một đỉnh cao như chiếc nón chóp khổng lồ, đó là đỉnh An Phụ, cao 246m.
Cùng nhau tản bộ quanh di tích Đền Cao. Nằm trong hệ thống các danh thắng mang giá trị lịch sử đặc sắc như Đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ. Lịch sử lưu dấu lại nơi đây: Trần Liễu là anh cả của vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên triều Trần.
Tuy vậy, ông không được chuyển giao ngai vàng khi chuyển giao giữa nhà Lý sang nhà trần, tiếp đó ông lại phải nhường người vợ yêu của mình cho người em trai khiến mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm.
Đền Cao An Phụ - nơi lập miếu thờ An Sinh Vương Trần Liễu
Kết cục về sau loạn trong nội tộc đã được khép lại. Nhằm an ủi ông, triều đình đã lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng,Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang thuộc một phần mảnh đất Uông Bí, Đông Triều, quảng Ninh ngày nay và toàn bộ phủ Kinh Môn bây giờ cho ông làm ấp thang mộc và lấy tên đất phong vương cho ông làm ấp thang mộc, phong vương cho ông là: Yên Sinh Vương.
Tuân lệnh triều đình, ông phải chấp nhận tước phong An sinh Vương và về đây lập thái ấp, giúp triều đình nhà Trần trấn ải vùng Đông Bắc, ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giàu có và chăm lo cho bách tính trăm họ trong vùng.
Ông về đây lấy việc xây trang ấp làm giàu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui và dạy các con trưởng thành làm nguồn hạnh phúc.
Dẫu như vậy, trong lòng ông luôn mang nỗi niềm u uẩn, một mối hận thù đã thấm vào thâm căn cố đế, ông thường lên đỉnh non thiêng cao nhất của dãy An Phụ nơi có ngôi chùa Tường Vân cổ kính gửi gắm tâm trạng của mình vào chốn thiền phật.
Vào một ngày xuân hè năm 1251 ông có căn dặn với người nhà, gia nô của mình rằng: “Ta lên đỉnh An Phụ trong vòng 14 ngày (tương ứng với ông ở mảnh đất này 14 năm) nếu không thấy ta quay trở về trang ấp thì các ngươi mới lên đây tìm ta”.
Theo lời ông dặn, đúng 14 ngày không thấy ông quay về, gia nô đã lên tìm và chỉ thấy tổ mối trên chiếc võng buộc giữa 2 cây xoan đào, gia nô thương xót và cho rằng ông đã hóa tại đây nên đã đắp mộ lập miếu thờ trên núi An Phụ.
Sau này, ngày mất của ông (1/4 âm lịch) trở thành ngày hội của Đền Cao và việc trảy hội nơi này đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của khách hành hương từ nhiều thế kỷ qua.
Ông cũng là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên- Mông ở thế kỷ 13…
Quan sát thấy rằng, đỉnh núi chia làm hai ngọn nhỏ, theo lời giới thiệu của hướng hướng dẫn viên. Chúng tôi được biết, ngọn phía nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, (tục gọi là Đền Cao, văn bia gọi là An Phụ Sơn từ). Khoảng giữa hai đỉnh núi là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao.
Tuy bị giặc tàn phá nhiều lần, xong ở đây vẫn còn những cây cổ thụ, cây đại có tuổi hàng thế kỷ, minh chứng cho sự trường tồn của di tích. Bên dưới trước chùa còn một giếng thiêng, quanh năm ăm ắp nước, trong vắt. Cách chùa 100m về phía Đông có Bàn Cờ Tiên.
Bên dưới Đền và chùa, trên một đỉnh núi có độ cao gần 200m, có dựng Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chân dung quắc thước, nhưng nhân hậu, thể hiện tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu. Chân đạp sóng, tay cầm đốc kiếm, mắt nhìn về biển Đông, như nhắc nhở các thế hệ con dân nước Việt luôn cảnh giác trong việc giữ gìn giang sơn gấm vóc.
Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách tại tượng đài Trần Hưng Đạo
Ngược dòng lịch sử, bảy thế kỷ trước, An Phụ và khu vực An Sinh là căn cứ khởi nghĩa của Trần Tề và Ngô Bệ cuối thời Trần chống lại chế độ phong kiến đương thời. Trong kháng chiến chống Pháp, xã An Sinh cũng là căn cứ du kích của huyện.
Từ đền Cao phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía là những cánh đồng bát ngát, những làng quê như những tấm thảm đủ màu. Điểm xuyết là những dòng sông quanh co uốn khúc như những con rồng bạc tắm mình trong nắng. Núi An Phụ có nhiều đỉnh nhỏ với nhiều khe đèo.
Từ lâu, Đền Cao-An Phụ trở thành một điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn. Du khách thăm Yên Tử thường quay về Đền Cao và Côn Sơn - Kiếp Bạc theo một hành trình khép kín, để thưởng ngoạn cảnh đẹp non sông, cũng là tìm về quá khứ với những giá trị cao đẹp và thiêng liêng nhất.
Trầm tích và dấu ấn lịch sử
Bước chân vãn cảnh du hành đưa chúng tôi đến Động Kính Chủ. Động Kính Chủ nằm trong núi Dương Nham. Núi này còn có tên Bồ Đà, Xuyến Châu, Thạch Môn. Động từng được triều đình phong kiến xưa tôn là: Nam Thiên đệ lục động (tức Động đẹp thứ 6 trời Nam). Từ cảnh đẹp tự nhiên đã tạo thành chùa trong động và chùa ngoài động.
Chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông, Lý Chiêu Hoàng, Minh Không thiền sư, Huyền Quang tôn giả. Trong núi còn có Động Cô Tiên thờ Mẫu và Tiên, còn hai pho tượng Phật bằng đá cổ.
Từ đỉnh núi An Phụ nhìn về phía Bắc, dãy Dương Nham như hòn non bộ khổng lồ giữa khoảng mênh mông của thung lũng sông Kinh Thầy. Phía bắc Dương Nham có dòng sông uốn khúc sát chân núi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.
Chúng tôi, vừa mãn nhãn với những cảnh đẹp nơi này, vừa để mặc xúc cảm nhẹ nhàng trôi theo lời giới thiệu của người hướng dẫn. Động Kính Chủ là một thắng cảnh của miền Đông-Bắc. Danh nhân vua chúa, quan lại nhiều thời đại đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh sông núi kỳ vĩ, đã để lại những dòng suy tư với đất nước và thời cuộc.
Những cảm xúc đó được thợ đá ở đây ghi lại bằng 54 tấm bia tạc vào vách động, của các danh nhân, như: Phạm Sư Mạnh, vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thượng thư Vũ Cán (thời Lê), Hình Bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng (thời Nguyễn)...
Thế kỷ nào cũng có bia được lưu tạc khắc lên vách đá, cho nên tiếng thơm tiếng lành vang xa..
Giai đoạn chống mỹ cứu nước, Động Kính Chủ là nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo xưởng đóng tàu Bạch Đằng – Hải Phòng.
Trải qua hàng ngàn năm, cảnh vật thay đổi nhiều, do mua nắng, chiến tranh và sự tác động của con người, song thật may mắn, Động Kính Chủ vẫn lưu giữ được hang chục tấm bia khắc vào vách đá nói về chùa. Sau này, qua nghiên cứu các bản dịch nói trên, đã được in trong sách “ Di Sản Hán Nôm Hải Dương” tập II do Hội Sử học tỉnh Hải Dương xuất bản năm 2014.
Từ đó, Động Kính Chủ không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng có từ lâu đời, là nơi lưu giữ bảo tang văn bia lớn nhất của cả nước được khắc trong vách núi đá mà trong động còn có ngôi chùa Cổ Dương Nham được xây dựng từ thời Lý
Nếu Đền Cao An Phụ, Nam thiên đệ lục động mang đến cho chúng tôi những cảnh quan tuyệt đẹp thì Nhẫm Dương lại đưa chúng tôi đến những cảm xúc của sự khám phá. Bởi đến đây chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những di vật khảo cổ học.
Nhẫm Dương là một vùng đất trũng và đẹp bởi những núi đá, núi đất chạy dài theo thế rồng uốn voi phục. Hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên ở đây hùng vĩ, là những kiệt tác hiếm có của Hải Dương và cả nước.
Dãy núi Nhẫm Dương với một hệ thống gồm 26 hang động lớn nhỏ, ẩn chứa những điều bất ngờ, thú vị. Bất ngờ bởi những hóa thạch phát hiện được đã minh chứng rằng, dãy núi này có thể là nơi tụ cư của người Việt thời tiền sử.
Tại động Thánh Hóa, năm 1996 – 1997 đã tìm thấy nhiều tượng Phật cổ tạc bằng đá, cùng di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím...và đặc biệt có khá nhiều răng Pôngô (tên loài vượn người sống cách đây trên 1 vạn năm), cả dấu tích của quá trình biển xá thực, nhiều xương hóa thạch còn trên vách đá. Theo giám định cho thấy, những hóa thạch và di vật đó cách ngày nay từ 3 vạn đến 3,5 vạn năm…
Tại hang Tối, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như: rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Hang Tối có khả năng là di chỉ có niên đại thuộc hậu kỳ đá cũ. Tại khu vực núi Nhẫm Dương, Sư thầy trụ trì chùa còn tìm thấy rìu đá, các công cụ bằng đá thuộc thời đại đồ đá mới, những viên đá tảng, gạch trang trí hoa văn thời Trần...
Qua người hướng dẫn chúng tôi được biết rằng hiện nay Quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Và đây có lẽ là sự khẳng định những giá trị đặc biệt và công sức bao đời của người dân Kinh Môn.
Linh Tuệ - Dương Bùi