Tăng lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế đánh giá, trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay từ khi vừa có chủ trương tăng lương.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Chuyên gia trao đổi về kiểm soát giá hàng hóa khi lương tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc này không bị tác động nhiều nhờ các chính sách kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mỗi khi tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá sốc mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Lần này việc tăng lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công, có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%), song vị chuyên gia lo lắng, sẽ tạo tâm lý “chúng tôi tăng giá để công bằng” ở khối tư nhân khi đây là đối tượng không được áp dụng tăng lương.

Hơn nữa, việc tăng lương cũng là cơ sở để một số mặt hàng “mở van” điều chỉnh giá khi trong thời gian dài chịu tác động của hàng loạt chi phí tăng theo…

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho rằng, để ổn định giá trong điều kiện tăng lương, cần tiến hành đồng thời tăng nguồn cung hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguồn cung phải dồi dào để có thể đáp ứng ngay tại chỗ, ngay lập tức để ngăn việc tăng giá. Đồng thời, phải phát huy vai trò của các chương trình khuyến mãi quốc gia ngay thời điểm này. Đây là thời điểm hợp lý nhất, bởi không có gì hay bằng cách “đang tăng lương thì được giảm giá”.

Theo chuyên gia Nguyễn Thường Lạng thì, ở bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang muốn cạnh tranh, đang muốn vươn ra thị trường, nhưng tăng giá sẽ giảm năng lực cạnh tranh. Vì thế, nếu tăng lương dẫn đến tăng giá thì đó sẽ là một trong những điểm bất lợi cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thông minh trong thời điểm này có thể ổn định giá, thậm chí là còn khuyến mãi, giảm giá chắc chắn sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

Chuyên gia trao đổi về kiểm soát giá hàng hóa khi lương tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Chuyên gia trao đổi về kiểm soát giá hàng hóa khi lương tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh Nguyễn Linh.

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng còn có thêm ý kiến, nên thực hiện đồng thời các giải pháp tài khóa. Bởi lẽ, sau khi tăng lương, lượng tiền tăng thêm ngoài thị trường lên tới gần 1 triệu tỷ đồng - đây là con số lớn, nên có thể tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do “vung” chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường.

Còn kiểm soát theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ công… theo ông Lạng, cần giữ bình ổn, vì đây là nhóm hàng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân và chi phí sản xuất, trực tiếp tác động giá thành sản phẩm.

Với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát. Nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng. “Tất cả các giải pháp trên nếu tiến hành một cách đồng bộ, chắc chắn việc “té nước theo mưa” sẽ giảm”, vị chuyên gia khẳng định.

Tăng lương - lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, cho rằng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.

Theo tính toán của Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Hơn nữa, trên thị trường có hàng chục nghìn mặt hàng, Nhà nước không thể kiểm soát mức tăng giá từng mặt hàng tại từng nơi và cũng không nên làm điều này. Nhà nước chỉ quan tâm danh mục CPI bao gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu với 752 mặt hàng, hay kiểm soát những biến số tác động đến giá cả, lạm phát như: không để cung tiền tăng quá nhanh, lãi suất không nên quá thấp, kiểm soát tỷ giá làm sao ổn định...

"Chúng ta cần đánh giá dựa vào số liệu thống kê, chứ không phải dựa vào cảm tính", ông Độ nhấn mạnh.

Chuyên gia trao đổi về kiểm soát giá hàng hóa khi lương tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh báo Nghệ An.
Chuyên gia trao đổi về kiểm soát giá hàng hóa khi lương tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh báo Nghệ An.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh bày tỏ, dù nửa cuối năm tăng lương cơ sở tới 30%, cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều người lo rằng lạm phát rất cao nhưng điều này không đúng. Bởi thực tế, việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế.

“Việc tăng lương có thể có tác động tâm lý người dân, điều này khiến giá cả hàng hóa nhích tăng, đặc biệt do các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian tới”, ông Thịnh khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho hay, thực tế, cầu tiêu dùng yếu, áp lực tỷ giá đã đạt đỉnh, giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế, tín dụng tăng trưởng thấp, tác động tăng lương cơ sở không lớn. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,3%, chưa tính đến điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Việc tăng lương chỉ trong phạm vi nhỏ, không nên quá lo lắng về lạm phát trong thời gian tới nếu các mặt hàng Nhà nước định giá vẫn chưa điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng khó nói khi những tháng cuối năm đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá… Do đó, phải chuẩn bị từ bây giờ, phòng ngừa từ sớm, từ xa bằng các công cụ, giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để có biện pháp sẵn sàng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã họp thường xuyên và đưa ra các giải pháp kiểm soát nhằm tránh nỗi lo “té nước theo mưa” mỗi dịp tăng lương.

Nổi bật là bảo đảm nguồn cung, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện; thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính: “Tăng lương có tác động đến tăng giá nhưng không quá nhiều. Bởi giá cả luôn tăng, cũng không thể cấm tăng giá khi tăng lương, chỉ có điều mức tăng cao hay thấp, còn lạm phát hợp lý khoảng 4%/năm là chấp nhận được. Chẳng hạn, giá mỗi lần cắt tóc nam có thể tăng từ 40 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng nhưng không phải năm nào cũng tăng, có thể 5 năm tăng 1 lần, hay thường tăng cao dịp Tết sau đó lại giảm. Một người có thể cảm nhận giá chợ này tăng, song chợ khác chưa chắc đã tăng, ở Hà Nội tăng nhưng ở tỉnh khác chưa tăng”. 

PV (t/h)