Diện mạo nông thôn huyện Giao Thủy đổi thay từng ngày
Huyện Giao Thủy hiện nay là vùng đất mới của tỉnh Nam Định, được hình thành nhờ quá trình biển lùi và bồi đắp của những hạ lưu sông chuyên chở phù sa lấp đầy các vùng biển ở châu thổ Bắc Bộ nói chung, khu vực Nam Định nói riêng.
Hơn 500 năm trước, Giao Thủy là một vùng đất hoang vu, nhưng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, lớp lớp các thế hệ người dân Giao Thủy đã chung lưng đấu cật, vượt qua bao khó khăn, chinh phục thiên nhiên, từng bước biến vùng đất hoang vu trở thành những cánh đồng màu mỡ, cư dân đông đúc, cuộc sống trù phú ngày hôm nay.
Ngày 20/3/1934 ghi dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của đơn vị hành chính huyện Giao Thủy trên cơ sở chia tách ra từ phủ Xuân Trường.
Là huyện giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Giao Thủy đã phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc...
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dân Giao Thủy tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá, cách mạng, năng động sáng tạo tìm ra những cách làm hay, những bước đi hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội của huyện và giành được nhiều thành tích to lớn.
Từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, song với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng không ngừng, đến nay các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Giao Thủy có mức tăng cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 70%; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao; thu nhập thực tế bình quân đầu người có nhiều cải thiện đáng kể, năm sau cao hơn năm trước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nội đồng,...
Trên địa bàn huyện đã quy hoạch 6 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 3.200 ha; đã và đang triển khai các thủ tục xây dựng 33 khu dân cư tập trung.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến nghiên cứu, tìm hiểu, đang triển khai các thủ tục đầu tư vào huyện, sẽ hứa hẹn tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Giao Thủy thời gian tới.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục của huyện thường xuyên được quan tâm và đạt nhiều thành tích. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững...
Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân huyện Giao Thủy đã luôn thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt, huy động được sức mạnh tổng hợp chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Với cách làm năng động, sáng tạo, năm 2017, Giao Thủy là huyện thứ 5 của tỉnh Nam Định và là huyện thứ 50 của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, huyện Giao Thủy đã sớm bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Giao Thủy cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đến nay toàn huyện đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 thị trấn được công nhận đô thị văn minh.
Đến nay, Giao Thủy đã vươn lên là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Nam Định về phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chia sẻ niềm vui với huyện Giao Thủy. Ông nói: Về với Giao Thủy hôm nay, chúng ta vui mừng trước sự đổi thay, phát triển không ngừng của huyện. Diện mạo nông thôn Giao Thủy sáng - xanh - sạch - đẹp, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới.
“Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Giao Thủy hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm sáng phát triển của tỉnh nhà thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Để xây dựng huyện Giao Thủy ngày càng vững mạnh, sớm trở thành 1 cực phát triển mới của tỉnh, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Giao Thủy nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, hành động quyết liệt hơn, quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội phát triển.
Một là,Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Thủy cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của huyện; phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu và thành quả đạt được trong 90 năm qua;
Tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khơi dậy tinh thần đổi mới, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Hai là, bám sát Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội;
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực Giao Thuỷ có lợi thế nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh công nghiệp - dịch vụ
Chú trọng phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị để tạo ra diện mạo mới cho Giao Thuỷ phát triển thuận lợi;
Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo đà vững chắc để Giao Thuỷ sớm đạt được các tiêu chí của đô thị loại 3, trở thành 1 trong 4 trung tâm đô thị động lực của tỉnh thời gian tới.
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu;
Đảm bảo hoàn thành mục tiêu Giao Thủy được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Bốn là, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội. Huyện cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương;
Quan tâm nhiều hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm là, luôn coi trọng công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”;
Chủ động nắm, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trên địa bàn. Bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện phải thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh;
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của mỗi cấp uỷ, tổ chức Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, sâu sát cơ sở, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân;
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Phạm Thịnh - Mai Chiến