Trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất người xả rác sẽ thông qua việc mua túi đựng rác, thay vì tính bình quân đầu người như lâu nay. 

Góp ý nội dung trên, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho rằng không nên thu phí rác thải đối với hộ gia đình mà thu trực tiếp vào sản phẩm. 

"Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho thu gom và tái chế, nếu nhà sản xuất đã đóng rồi thì vì sao người dân phải đóng nữa, không việc gì chúng ta phải đi làm thêm cái túi thu gom rác để bán cho các hộ gia đình".

Theo ông Vượng, thu phí thu gom, tái chế từ nhà sản xuất thông qua sản phẩm, về thực chất là người dân đã chi tiền ra vì nhà sản xuất sẽ nâng giá thành sản phẩm, cho nên không cần thiết thu tại hộ gia đình.

Ông Hoàng Đức Vượng, chủ tịch chi hội nhựa tái sinh. Ảnh: Gia Chính
 

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh. Ảnh: Gia Chính

"Nếu thu phí thông qua túi đựng thì người dân sẽ tìm đủ mọi cách để không phải đóng, có thể dẫn tới làm giả túi. Ai sẽ kiểm tra người dân đổ những gì vào túi", ông Vượng nêu vấn đề và cho rằng phương thức thu mới sẽ làm phát sinh những bất tiện không đáng có. 

Ông Vượng cũng nhận định thu phí xử lý rác theo khối lượng sẽ phải đầu tư mới từ cơ sở hạ tầng đến nhân công gây tốn kém. "Áp dụng phương pháp này thì không loại trừ việc vỡ trận vì đặc thù của Việt Nam khác xa so với các nước trên thế giới. Nếu thu qua các nhà sản xuất, nhà nước chưa cần phải làm gì đã có kinh phí để xử lý rác", ông nói thêm.

Trái với quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng chủ trương thu phí rác thải theo khối lượng, tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì là hợp lý vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và thành công.

Bài Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tuy nhiên, bà An băn khoăn "trọng lượng và khối lượng khác nhau, một cục đá chắc chắn sẽ nặng hơn một mớ rau cùng khối lượng, nên việc thu qua túi sẽ thực hiện cụ thể ra sao?". Theo bà, người dân có thể đổ vào túi nhiều loại rác, thể tích giống nhau nhưng khối lượng khác nhau, "vậy ai sẽ kiểm tra bên trong túi có những loại rác nào".

Cho rằng mấu chốt của việc thu phí rác qua túi là phân loại tại nguồn, quản lý quá trình thu gom, bà An nhấn mạnh nếu không quản lý tốt thì người dân sẽ tranh thủ đổ trộm rác ra bên ngoài và lại gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.

"Cần thí điểm trong ít nhất một năm ở một khu vực thành thị và nông thôn để rút ra bài học kinh nghiệm phân loại rác như thế nào, đơn vị nào cân rác, mức phí ra sao", bà An đề xuất.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng thu phí theo khối lượng sẽ tác động trực tiếp tới người dân, qua đó giúp điều chỉnh hành vi của người xả thải. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất chính quyền gặp phải sẽ là thói quen của người dân trong việc phân loại rác, do vậy việc này cần có lộ trình thực hiện. 

"Phải để người dân thấy tác dụng của việc thu phí theo khối lượng không ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của mình, giúp giảm lượng rác phát sinh. Khi phân loại được rác, người dân sẽ phải trả ít tiền xử lý rác hơn", ông Đông nói.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giải thích việc thu phí rác thải theo khối lượng là chuyển đổi phương thức thu so với trước đây (thu theo đầu người, thu theo hộ), qua đó đảm bảo tính công bằng giữa người xả nhiều rác và người xả ít rác.

"Về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng đã được đưa vào trong luật để tăng tỉ lệ tái chế, thúc đẩy phân loại rác, giảm số lượng rác phát sinh và hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn", ông nói.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Gia Chính

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Gia Chính

Về cách thu phí xử lý rác qua túi, ông Hùng giải thích mẫu túi sẽ được sản xuất theo khối lượng tuỳ thuộc vào từng tỉnh và in trên vỏ túi. Nguyên tắc đảm bảo khối lượng rác tối đa cho vào không thể vượt quá khối lượng in trên túi và người dân đi đổ rác không cần phải cân rác.

"Nếu phân loại rác thì chắc chắn chi phí người dân phải trả sẽ giảm so với không phân loại, rác thải tái chế được thu gom miễn phí, thậm chí trả tiền cho người dân. Đây là động lực kinh tế thúc đẩy người dân phân loại thay vì dựa vào ý thức như trước đây", ông Hùng nói.

Về lo ngại xả trộm rác ra môi trường, lãnh đạo Vụ Pháp chế nói với cách thu hiện tại thì người dân vẫn đổ trộm rác ra môi trường. "Dự thảo Luật sẽ đề nghị không thu rác ở ngoài vị trí đã quy định. Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Công an để tăng quyền xử phạt hành chính cho công an xã, nhằm xử lý những trường hợp đổ trộm", ông Hùng cho hay.

Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thu phí xử lý rác theo khối lượng sẽ không thực hiện đồng loạt mà áp dụng ở các khu vực đô thị trước. Cơ quan chức năng sẽ tính toán hỗ trợ người dân để trước mắt giá bán túi ngang bằng mức chi trả xử lý rác tại gia đình hiện nay.

Ngoài ra, để thu phí xử lý rác theo khối lượng thành công, cần có sự đầu tư đồng bộ của chính quyền (hệ thống giám sát), đơn vị thu gom (các thùng rác, xe chở rác chuyên biệt) để đảm bảo việc thu gom rác sau phân loại đúng quy cách, tránh đi vào "vết xe đổ" của các phong trào trước đây.

Theo Vnexpress