Vừa qua, tỉnh An Giang đã tổ chức khóa tập huấn ToT về Kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo rơm rạ trong chuỗi giá trị lúa gạo. Khóa tập huấn do Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với Viện Khoa học phát triển nông thôn (SIRD), Tổ chức phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một tất yếu
Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một tất yếu (Ảnh: Sở NN&PTNN AN Giang)

Đến dự buổi khai mạc có của ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và PTNT và ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT An Giang; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang; Học viên của khóa tập huấn gồm 35 cán bộ Khuyến nông của tỉnh An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ.

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một tất yếu. Kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tái sử dụng phụ phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng từ các nguồn lực sẵn có. Mong rằng những kiến thức và trải nghiệm thực tế được các giảng viên cung cấp, chia sẻ sẽ giúp học viên cập nhật thông tin về kinh tế tuần hoàn và quản lý rơm rạ để thực hiện tốt nhiệm vụ sắp tới.

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT An Giang nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất của các hợp tác xã, nông dân tỉnh An Giang, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Đây là xu hướng tất yếu, là mục tiêu đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, góp phần vào việc thực hiện Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tới tăng trưởng xanh tại An Giang.

Qua đây, giúp học viên nắm bắt những khái niệm cơ bản về Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; cách xử lý, sử dụng phụ phế phẩm lúa theo hướng Kinh tế tuần hoàn; và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình xử lý phụ phế phẩm từ các chuỗi giá trị nông nghiệp ở các địa phương.

Trong chương trình, học viên tham quan thực tế mô hình trồng nấm rơm và sản xuất giá thể hữu cơ (có ứng dụng cơ giới hóa) tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân). Qua đây, học viên các tỉnh Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ có điều kiện trao đổi, chia sẻ thực tế từ các mô hình của địa phương An Giang.

Đội ngũ giảng viên nguồn qua khóa tập huấn sẽ triển khai tập huấn cho các hợp tác xã và nông dân địa phương nhằm hướng tới mục tiêu giúp cho bà con nông dân và các Hợp tác xã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang các mô hình kinh tế tuần hoàn, quan tâm tới các vấn đề môi trường và tận dụng nguồn lực có sẵn để gia tăng giá trị từ phụ phẩm sản xuất lúa.

Sông Trường