THCL Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác QLTT 6 tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, các thủ đoạn, chiêu thức của giới buôn lậu và các “cung đường hàng lậu” đã được cơ quan chức năng nắm rõ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác chống buôn lậu vẫn chưa tìm ra “thuốc đặc trị”.

“Nóng” như buôn lậu

Theo báo cáo của Cục QLTT, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các mặt hàng có giá, cả trong nước và nước ngoài, mức thuế NK cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, tân dược, điện tử...

Sáu tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 329,86 tỷ đồng (tăng 96,34 tỷ đồng, tăng 41,2% so cùng kỳ năm 2015); xử lý 9.624 vụ vi phạm ATVSTP; xử phạt vi phạm hành chính 23,1 tỷ đồng.

Tại TP. HCM, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại luôn nóng. Hoạt động buôn lậu thường diễn ra vào ban đêm, vận chuyển nhỏ lẻ khiến công tác kiểm tra, thu giữ rất khó khăn. Các tỉnh Tây Nam Bộ, buôn bán, vận chuyển trái phép rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát trên địa bàn có chiều hướng tăng. Các đối tượng rất manh động, sẵn sàng cản trở, chống đối lực lượng kiểm tra và người dân tham gia giao thông.

Các tỉnh biên giới phía Bắc, buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn xảy ra. Tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội (Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội…) và tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng..., chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước.

Hàng loạt bất cập

Ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội góp ý: Hệ thống văn bản QPPL về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, còn thiếu cơ chế chính sách nhất quán, đồng bộ. Một số văn bản (Luật Thương mại, Luật Xử lý vi phạm hành chính…), sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN, Luật Đầu tư mới chậm ban hành.

Ông Kiên dẫn chứng một số văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ như Nghị định 185/NĐ-CP…

Về quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay, ông Dương Thanh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. HCM cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và hạn chế.

Liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong nhận biết, phát hiện, khai thác, phân tích thông tin với hàng hóa vi phạm…, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu gia tăng.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất trong xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Pháp lệnh QLTT và Nghị định hướng dẫn vừa được Quốc hội thông qua (sẽ có hiệu lực từ 1/9). Đây sẽ là cơ sở quan trọng để lực lượng QLTT có thể đấu tranh hiệu quả với nạn hàng giả, hàng lậu”.

Đại diện Cục QLTT quả quyết, từ nay đến cuối năm, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các điểm tập kết kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm ATVSTP; tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ ép giá, gây bất ổn thị trường.

Anh Đức - Tuyết Hoa