Cụ thể, thông tư quy định về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực; năng lượng sinh khối gồm nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng có nguồn gốc từ thực vật; Năng lượng từ chất thải của quy trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; trừ chất thải của quy trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư gồm: Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Điều 47 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất (gồm vị trí công trình, quy mô, tiến độ, sơ bộ tổng mức đầu tư, sơ đồ tổ chức không gian, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình và các thông số kỹ thuật chính) với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương gồm: Mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án và không được vượt trần khung giá do Bộ Công Thương ban hành tại năm đấu thầu. Nguyên tắc giá điện được xác định theo quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư số 07/2024/TT-BCT.
Trường hợp dự án điện lực chưa phát hồ sơ mời thầu thì phải lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại Thông tư. Nếu dự án điện lực đã phát hành hồ sơ mời thầu mà đến ngày Thông tư có hiệu lực thi hành chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thì tiếp tục đánh giá hồ sơ dự thầu trên cơ sở hồ sơ mời thầu đã phát hành. Mẫu hồ sơ mời quan tâm dự án đầu tư điện lực, mẫu hồ sơ mời thầu đính kèm phụ lục I, phụ lục II kèm theo.
Phạm vi áp dụng đối với Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này; Tổ chức, cá nhân có hoạt động lựa chọn nhà đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được chọn áp dụng quy định của Thông tư này.
Thanh Lam