Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, VKSND tối cao được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương nghiên cứu, xây dựng 3 đề án, gồm: Đề án nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện.
Đề án nghiên cứu, xây dựng cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước. Đề án nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung các đề án và xác định đây là những vấn đề mang tính đột phá, đổi mới, giúp hoàn thiện thể chế. Các đại biểu cũng góp ý về thực tiễn thực hiện các cơ chế tại địa phương; những ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong thời gian qua.
Đặc biệt, các đại biểu cũng đã tập trung góp ý về các giải pháp, kiến nghị, nhất là những đề xuất đổi mới, hoàn thiện các cơ chế để nâng cao vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, trong đó có ngành Kiểm sát Nhân dân, như: Cơ chế khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương, hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; cơ chế khởi kiện vụ án hành chính đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên cảm ơn VKSND tối cao đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa để khảo sát về các nội dung mà Viện đang được giao nghiên cứu. Đồng thời khẳng định, đây là các đề án về quy phạm pháp luật với nhiều nội dung có tính đổi mới, trọng tâm nhằm cụ thể hóa một số nhiệm vụ VKSND tối cao được giao theo Nghị quyết số 27, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, cuộc khảo sát cũng là dịp để đại diện các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa có cơ hội trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi, qua đó góp phần cùng cơ quan soạn thảo hoàn thiện các đề án với mục tiêu xây dựng nền tư pháp kiến tạo, đảm bảo công bằng xã hội, an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao những ý kiến đóng góp khách quan, sâu sắc và hiệu quả của các đại biểu cho việc triển khai xây dựng các đề án.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định: Các ý kiến đóng góp sẽ là căn cứ để VKSND tối cao có những điều chỉnh, bổ sung nội dung các đề án một cách hợp lý, đầy đủ và bám sát thực tiễn; góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Qua đó, VKSND tối cao sẽ tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong việc đề xuất các nội dung liên quan đến đổi mới, hoàn thiện cơ chế và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong giai đoạn mới. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các đề án, đề xuất nội dung về cải cách tư pháp, về đổi mới VKSND trong văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Khánh An