Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 6/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra lý do cần thiết để thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia: Mặt hàng gạo không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn tiêu dùng nội đia, không chỉ là kinh tế mà còn là ngoại giao; không chỉ xuất khẩu mà còn nhập khẩu… Ngành hàng lúa gạo còn liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nên đã có đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 để ngành hàng phát triển bền vững hơn. Hạt gạo còn là hình ảnh quốc gia.
Theo phân tích của Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì, bên cạnh khắc phục các hạn chế của ngành hàng lúa gạo, Hội đồng Lúa gạo quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề "nóng" khi Thái Lan, Ấn Độ… có các chính sách mới, đột xuất về xuất khẩu gạo; hay khi thương hiệu gạo ST 25 bị giả mạo…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra giải pháp, Hội đồng sẽ họp 1 năm/lần nhưng khi có sự vụ đột xuất thì sẽ họp ngay lập tức. Hội đồng chính là trụ đỡ thêm cho các hiệp hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến, đời sống một bộ phận người trồng lúa còn khó khăn. Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc thị trường truyền thống, chưa đa dạng thị trường. Các doanh nghiệp chưa chủ động nguyên liệu đầu vào, trừ một số doanh nghiệp lớn, còn lại tính chuyên nghiệp chưa cao, doanh nghiệp còn tình trạng "tham bát bỏ mâm".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được cho các thị trường chất lượng cao, khó tính. Mặc dù có thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa hợp lực để bảo vệ thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chuyên nghiệp, còn sự cạnh tranh không lành mạnh.
Một số thị trường rất khó tính nhưng gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành. Tuy nhiên, ngay sau đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã không giữ được thị trường.
Ngành sản xuất lúa gạo còn thiếu một chiến lược, chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn còn sự tự phát trong sản xuất và ở mỗi doanh nghiệp. Đầu tư của nhà nước cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo chưa xứng tầm. Đây là ngành chủ lực nhưng đầu tư còn quá nhỏ.
"Nếu hội đồng này được lập ra thì sẽ phải tư vấn cho Chính phủ có những chính sách hùng mạnh và khả thi để gạo Việt Nam có giá trị, thương hiệu trên thị trường thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa; cần các chiến lược tổng thể, cần tư vấn tầm chiến lược xử lý các vấn đề như: Biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến đổi người tiêu dùng; tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền; xu hướng mới trong phát triển…
Do đó, cần thiết có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm để tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành.
Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá. Thiết chế này có sự tham gia của các bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa. Do vậy, việc thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp, ông Trần Công Thắng cho hay.
Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, ông Trần Công Thắng cho biết, tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã… còn có mô hình "Hội đồng ngành hàng" hay "Ban điều phối ngành hàng" ở cấp quốc gia.
Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của Nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, đến người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất. Cùng với đó là hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, tổng thể của ngành. Tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ chương trình chính sách lớn.
Theo ông Trần Công Thắng, Hội đồng lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là rất cần thiết. Lúa gạo là ngành hàng quan trọng bậc nhất trong kinh tế - xã hội Việt Nam. Không chỉ là kinh tế mà còn là chính trị, văn hóa… cần có cơ chế đặc biệt với ngành hàng này.
Không chỉ ở góc độ xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị, Hội đồng lúa gạo quốc gia cần xem xét bổ sung về quản lý trong nhập khẩu gạo. Bởi, nhập khẩu gạo cũng tương đối khá.
Trên cơ sở các đại biểu góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đơn vị chuyên môn sẽ tham mưu lãnh đạo hai bộ sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Hải Dương (t/h)