Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tạo ra các giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị, nhưng con đường thực hiện mục tiêu này không ít chông gai.

Điều đó không có nghĩa là Hội nghị thượng đỉnh của BRICS tại Kazan, Nga vừa qua đã từ bỏ mục tiêu phi USD hóa. Ý tưởng này vẫn còn rất nhiều trên bàn nghị sự.

Có rất nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 cho thấy Mỹ không nên nghĩ rằng phi USD hóa là không thể. (Nguồn: tvbrics)
Có rất nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 cho thấy Mỹ không nên nghĩ rằng phi USD hóa là không thể. (Nguồn: tvbrics)

Tuy nhiên, có vẻ như việc đạt được mục tiêu sẽ không nhanh chóng và dễ dàng như mong muốn. Theo SCMP, "không nhiều quốc gia trong nhóm này có vẻ sẵn sàng từ bỏ đồng bạc xanh mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã nỗ lực khuyến khích một hệ thống thanh toán thay thế giữa các thành viên".

Moscow đã thúc đẩy mạnh mẽ BRICS xem xét một hệ thống thanh toán để thay thế hệ thống tin nhắn tài chính toàn cầu SWIFT do phương Tây thống trị. Nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin thừa nhận, chưa có kế hoạch được thiết lập ngay lập tức, khối đang tạo ra một hệ thống như vậy.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến đưa ra tại Thượng đỉnh BRICS lần này cho thấy Mỹ không nên nghĩ, phi USD hóa là không thể.

Mở cửa phát triển hệ thống thanh toán BRICS

Các nhà lãnh đạo và đại diện của 36 quốc gia đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh, bao gồm các thành viên BRICS, cùng các nhà lãnh đạo từ các nước quan tâm nhóm.

BRICS là một khối hợp tác kinh tế ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tính đến ngày 1/1/2024, nhóm này đã kết nạp thêm Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran và Ethiopia. Saudi Arabia được mời gia nhập nhưng vẫn chưa chấp nhận lời mời. Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 đã thông qua "Tuyên bố Kazan", nêu rõ một số thỏa thuận của các thành viên trong khối. Mặc dù nhóm này không thông qua kế hoạch chính thức nào cho một hệ thống thanh toán thay thế SWIFT, nhưng khối đã tuyên bố nhu cầu cải cách, lên án “tác động tiêu cực của các biện pháp cưỡng chế đơn phương bất hợp pháp, bao gồm các lệnh trừng phạt”.

Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cải cách cấu trúc tài chính quốc tế hiện tại để đáp ứng các thách thức tài chính toàn cầu, bao gồm quản trị kinh tế, để làm cho cấu trúc tài chính quốc tế trở nên toàn diện và công bằng hơn”.

Hội nghị năm nay cũng mở ra cánh cửa cho sự phát triển của một hệ thống thanh toán BRICS trong tương lai.

Ảnh internet.
BRICS ngày càng có sức ảnh hưởng, tiến trình phi USD hóa mạnh mẽ mức nào? Ảnh internet.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận ra những lợi ích rộng rãi của các công cụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, chi phí thấp hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, an toàn hơn và toàn diện hơn được xây dựng dựa trên nguyên tắc giảm thiểu rào cản thương mại và tiếp cận không phân biệt đối xử. Chúng tôi hoan nghênh việc sử dụng nội tệ trong các giao dịch tài chính giữa các nước BRICS và các đối tác thương mại của họ".

Với tinh thần đó, Hội nghị thượng đỉnh đã nhất trí “thảo luận và nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập một cơ sở hạ tầng thanh toán và lưu ký xuyên biên giới độc lập, gọi là BRICS Clear (sáng kiến ​​bổ sung cho cơ sở hạ tầng thị trường tài chính hiện có), cũng như năng lực tái bảo hiểm độc lập của BRICS, bao gồm Công ty tái bảo hiểm BRICS, với sự tham gia trên cơ sở tự nguyện”.

Tuyên bố Kazan khẳng định sự ủng hộ đối với đề xuất của Nga về việc tạo ra một sàn giao dịch ngũ cốc thay thế cho các sàn giao dịch của phương Tây hiện đang thiết lập giá quốc tế cho các nền kinh tế nông nghiệp.

“Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến ​​của phía Nga trong việc thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc (hàng hóa) trong BRICS (Sàn giao dịch ngũ cốc BRICS) và sau đó phát triển sàn này, bao gồm mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác”.

Tại sao BRICS theo đuổi mạnh mẽ mục tiêu?

Giáo sư nghiên cứu Châu Á tại Đại học Tasmania, James Chin, nhận định, rất ít quốc gia sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn đồng USD. Nền kinh tế của họ bị ràng buộc quá chặt chẽ với đồng bạc xanh.

Chuyên gia này suy đoán rằng, một thỏa thuận tiền tệ song phương có vẻ là con đường hợp lý hơn để tiến về phía trước. Đồng USD có khả năng sẽ tiếp tục là đồng tiền dự trữ toàn cầu nhưng ở quy mô nhỏ hơn, trong khi các loại tiền tệ khác ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Ông nói: “Một thỏa thuận tiền tệ song phương có vẻ là cách dễ nhất”.

Điều này phù hợp với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (Cips) hiện tại của Trung Quốc. Ngân hàng HSBC Hong Kong (Trung Quốc), một trong những tổ chức tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới, công bố sẽ chính thức gia nhập Cips.

Ngoài ra còn có mBridge, một hệ thống thanh toán xuyên biên giới tức thời do Trung tâm đổi mới của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) tại Hong Kong thành lập. Hiện tại, BIS có 5 thành viên chính thức, gồm Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Saudi Arabia và UAE, cùng hơn 30 thành viên quan sát.

Một trong những đề xuất thú vị nhất được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS là phát triển một sàn giao dịch kim loại quý để cạnh tranh với COMEX. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, "cơ chế này sẽ bao gồm việc tạo ra các chỉ số giá cho kim loại, tiêu chuẩn sản xuất và buôn bán vàng, cũng như các công cụ để công nhận những người tham gia thị trường, thanh toán bù trừ và kiểm toán trong BRICS".

Ảnh internet.
BRICS ngày càng có sức ảnh hưởng, tiến trình phi USD hóa mạnh mẽ mức nào? Ảnh internet.

Mặc dù có vẻ như các quốc gia BRICS sẽ không hành động nhanh chóng để triển khai các giải pháp thay thế cho USD, nhưng sẽ là không khôn ngoan nếu xem nhẹ khối này. Rõ ràng là nhóm đang giành được sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Có thể không dễ dàng để đưa tất cả các quốc gia BRICS cùng thống nhất về các chính sách hoặc hệ thống thanh toán cụ thể, nhưng họ đang lo ngại về việc vũ khí hóa đồng USD và có nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp thay thế đồng bạc xanh.

Việc phi USD hóa toàn cầu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ

Trên thực tế, Hội đồng Đại Tây Dương xác định sự trỗi dậy của BRICS là mối đe dọa đối với sự thống trị lâu dài của đồng USD.

Hội đồng “xác định BRICS là một thách thức tiềm tàng đối với vị thế của đồng USD do tín hiệu về ý định giao dịch nhiều hơn bằng các loại tiền tệ quốc gia của từng thành viên và thị phần ngày càng tăng của BRICS trong GDP toàn cầu".

Ngay cả trước Hội nghị thượng đỉnh, người sáng lập nhóm nghiên cứu BRICS+ Analytics, Yaroslav Lissovolik đã nói rằng, một hệ thống thanh toán thay thế chắc chắn là khả thi, nhưng có thể sẽ mất thời gian để phát triển.

"Sau khi số lượng thành viên BRICS tăng đáng kể vào năm ngoái, việc đạt được sự đồng thuận có thể nói là sẽ khó khăn hơn", ông nói.

Tất nhiên, trong thế giới địa chính trị, mọi thứ thường diễn ra chậm rãi rồi lại diễn ra cùng lúc. Và ngay cả sự suy giảm tương đối nhỏ về vị thế của đồng bạc xanh trong hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng đa cực, nơi USD không còn là “con gà trống” duy nhất trong chuồng gà nữa, cũng có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ.

Thực tế này đã diễn ra từ lâu trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Dự trữ USD trên toàn cầu đã giảm 14% kể từ năm 2002 và quá trình phi USD hóa đã tăng tốc sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây trừng phạt Nga một cách mạnh mẽ.

Ảnh internet.
BRICS ngày càng có sức ảnh hưởng, tiến trình phi USD hóa mạnh mẽ mức nào? Ảnh internet.

Bởi vì hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động dựa trên đồng bạc xanh, thế giới cần rất nhiều USD và Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu toàn cầu này để hỗ trợ cho chính phủ với nợ công ngày càng lớn. Lý do duy nhất khiến Washington có thể vay, chi tiêu và thâm hụt ngân sách lớn đến mức như vậy là do vai trò của USD là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Nó tạo ra nhu cầu toàn cầu tích hợp đối với USD và các tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh. Điều này hấp thụ việc in tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giúp duy trì sức mạnh của USD bất chấp các chính sách kiềm chế lạm phát của Fed.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nhu cầu đó giảm? Điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia BRICS và các nước khác không cần nhiều USD như vậy?

Việc phi USD hóa nền kinh tế thế giới sẽ gây ra tình trạng dư thừa USD. Giá trị của đồng tiền Mỹ sẽ tiếp tục mất giá.

Ở mức cực đoan, việc phi USD hóa toàn cầu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Người dân sẽ cảm nhận được tác động thông qua lạm phát giá cả nhiều hơn, làm xói mòn sức mua của đồng bạc xanh. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể dẫn đến siêu lạm phát. Ngay cả một sự sụt giảm nhỏ trong nhu cầu USD cũng sẽ lan rộng khắp nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có thể đã có những lo ngại quá mức về việc BRICS làm suy yếu sự thống trị của đồng bạc xanh, nhưng việc hoàn toàn phủ nhận sự phát triển của khối này là không khôn ngoan. Điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng sự trỗi dậy của nhóm này cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng đối với cách Mỹ sử dụng ảnh hưởng tiền tệ của mình như một công cụ chính sách đối ngoại. Những động thái khác nhau nhằm phi USD hóa và giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng tiền này có khả năng tiếp tục lan rộng.

Theo SCMP