Gần một thế kỷ trước, khi Mỹ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào nước này, hậu quả đã rất nghiêm trọng. Cụ thể như: Thương mại toàn cầu giảm mạnh, Mỹ bị các quốc gia khác trả đũa và khiến cuộc Đại suy thoái (năm 2009) trở nên trầm trọng hơn.
Mức thuế quan nói trên - được áp dụng theo Đạo luật Thuế quan Mỹ năm 1930 - không là gì so với mức thuế mà ông Donald Trump đã cam kết áp dụng nếu ông thắng cử nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump đã đề xuất mức thuế thậm chí còn cao hơn, là 60%.
Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg mới đây: "Với tôi, từ đẹp nhất trong từ điển là 'thuế quan'. Đó là từ tôi thích nhất".
Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo, các mức thuế quan mới sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thuế quan và dự báo tiêu cực
Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington đã viết trong một lưu ý gần đây, việc áp dụng mức thuế quan cao hơn sẽ gây bất bình cho các đồng minh và đối tác của Mỹ. Thậm chí còn gây ra chiến tranh thương mại trên toàn thế giới, gây tổn hại đến phúc lợi kinh tế toàn cầu và làm suy yếu an ninh quốc gia.
Phần lớn các nhà dự báo đều đưa ra dự đoán tiêu cực nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp thuế quan mới.
Ví dụ, các nhà phân tích tại UBS ước tính, mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10% đối với hàng hóa từ phần còn lại của thế giới sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu một điểm phần trăm vào năm 2026.
Theo UBS, lợi nhuận của công ty trung bình sẽ giảm 6% và các chỉ số chứng khoán toàn cầu cũng sẽ giảm, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh ở các cổ phiếu của Châu Âu, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Nền kinh tế Châu Âu cũng sẽ phải chịu một đòn giáng mạnh.
Ngân hàng ABN AMRO dự báo, nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thuế lên 10% đối với tất cả hàng hóa, thiệt hại đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng Euro sẽ tương tự như thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine gây ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận thấy tác động đến sản lượng toàn cầu do khả năng áp dụng mức thuế quan cao hơn trên toàn thế giới.
Theo một phân tích của IMF được công bố vào năm ngoái, trong một "kịch bản nghiêm trọng" về việc tăng thuế quan và hạn chế thương mại trên diện rộng, sản lượng toàn cầu có thể giảm 7% trong dài hạn. "Điều đó sẽ tương đương với mức giảm gần bằng GDP hàng năm cộng lại của Đức và Nhật Bản", IMF thông tin.
Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Peterson nói: "Giả sử, khi ông Trump thực hiện được mức thuế quan mà ông đề xuất, sẽ không có ai thoát khỏi tổn thất".
Quan điểm cứng rắn và đe dọa áp thuế
Mới đây, phát biểu tại Chicago, ông Trump đã tái khẳng định quan điểm cứng rắn với các đồng minh (bao gồm Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc) thông qua thuế quan, hoặc đơn giản là đe dọa áp thuế.
CNN nhận định, nếu ông trở lại Nhà Trắng, cách tiếp cận nói trên đối với quan hệ thương mại sẽ làm suy yếu thêm các nguyên tắc về thương mại mở và cạnh tranh - những điều đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, ông Maurice Obstfeld cho rằng, cách tiếp cận của ông Trump sẽ khiến hệ thống thương mại toàn cầu là một mớ hỗn độn các thỏa thuận song phương. "Hệ thống đó sẽ hoạt động như thế nào thì không ai có thể đoán được. Nhưng chắc chắn rằng, lợi ích từ thương mại sẽ giảm và quan hệ thương mại giữa các quốc gia sẽ chia rẽ hơn", ông Maurice Obstfeld nói.
Trong khi đó, GS. Petros Mavroidis tại Trường Luật Columbia (Mỹ) nhìn thấy một kết quả thậm chí còn ảm đạm hơn. Ông khẳng định: "Tôi nghĩ rằng thật không thực tế. Thế giới phải được kết nối cả về mặt kinh tế và phi kinh tế. Nếu không được kết nối, thì bạn sẽ phải trả giá. Các quốc gia khác có thể áp dụng thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu từ những nơi khác để bảo vệ thị trường của họ".
Nhìn lại năm 2018, khi ông Trump công bố mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ngau sau đó, Liên minh Châu Âu (EU) đã áp dụng mức thuế riêng đối với một số sản phẩm thép nhất định, với lý do rủi ro nhập khẩu cao hơn. Khối cũng đáp trả trực tiếp Washington bằng mức thuế đối với hơn 3 tỷ USD hàng hóa của nước này, bao gồm xe máy, vải denim và rượu whisky.
Andre Sapir, thành viên cấp cao tại Bruegel, một nhóm nghiên cứu tại Brussels khẳng định: "Các quốc gia có thể rơi vào vòng xoáy các biện pháp thương mại, do Mỹ khởi xướng".
Sẽ không khoan nhượng?
Bên cạnh thuế quan, các nhà kinh tế cũng bất bình với mong muốn kiểm soát Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều hơn của cựu Tổng thống Trump.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định: "Thời gian qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã duy trì lãi suất quá cao".
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận thấy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu tính độc lập của Fed sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và gây bất ổn cho đồng USD - đồng tiền đang giữ vị thế hàng đầu thế giới chuyên dùng để thanh toán thương mại và dự trữ ngoại hối.
Dù vậy, ông Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Washington cho hay, ông Trump khó có thể can thiệp vào tính độc lập của Fed, vì động thái này có thể gây ra những rủi ro cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông dự báo, nếu "người đàn ông thuế quan" trở lại Nhà Trắng trong năm nay, hành động của ông chắc chắn sẽ không khoan nhượng so với nhiệm kỳ đầu tiên!
Theo CNN/Bloomberg