Vấn nạn gây bức xúc xã hội
Năm học 2018 - 2019, phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) choáng váng trước 18 khoản thu đầu năm học.
Theo danh sách các khoản thu Trường Tiểu học Sơn Đồng gửi phụ huynh học sinh, có nhiều khoản tiền vô lý: Quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; quỹ lớp 300.000 đồng; quỹ học tập 150.000 đồng; trông giữ ngoài giờ 1.008.000 đồng; vệ sinh 100.000 đồng; lớp chất lượng cao 600.000 đồng; bảng tính thông minh 650.000 đồng..., tổng cộng lên tới gần 8 triệu đồng.
Phụ huynh học sinh tập trung tại cổng Tường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức - Hà Nội) phản đối lạm thu.
Sau khi báo chí vào cuộc quyết liệt, Hiệu trưởng nhà trường (thời điểm đó bà Nguyễn Kim Oanh) bị kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng. Đồng thời, trường đã phải hoàn trả lại tiền đã thu cho phụ huynh học sinh.
Khi năm học 2018 - 2019 chưa bắt đầu, nhưng nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đã sửng sốt, bởi tờ thông báo các khoản thu của trường.
Theo đó, ngoài tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập, phụ huynh lớp 1 còn phải nộp tiền đồng phục, mũ, ghế nhựa, kỹ năng sống, tạm ứng cơ sở vật chất với tổng số tiền gần 3 triệu đồng. Chưa hết, giáo viên chủ nhiệm còn liệt kê miệng thêm nhiều khoản tiền mà học sinh sẽ phải đóng khi vào năm học, khiến phụ huynh phải viết đơn “cầu cứu” báo chí!
Sau khi báo chí phanh phui, cơ quan chức năng đã phát hiện Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng đã thu nhiều khoản sai quy định, đúng như phụ huynh đã phản ánh. Đồng thời, yêu cầu trường này phải trả lại các khoản thu sai, xử lý nghiêm Hiệu trưởng.
Danh sách các khoản thu trong năm học 2018 – 2019 của Trường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức - Hà Nội).
Năm học 2018 - 2019, phụ huynh Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh, Hà Nội) phản ánh bị thu 1.500.000 đồng để mua bàn ghế. Phụ huynh của 33 học sinh Trường Mầm non An Khánh A (Hoài Đức, Hà Nội) cũng phản ánh bị thu 500.000 đồng trái tuyến...
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, trao đổi với báo giới, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Lê Ngọc Quang cho biết, ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Hà Nội đã tập trung quản lý tốt vấn đề thu - chi. Năm nay, Sở sẽ không đi kiểm tra theo các đoàn như mọi năm, mà khi phát hiện trường nào để xảy ra lạm thu, sẽ xử lý nghiêm. Tất cả nội dung thông tin về thu - chi của nhà trường, cần công khai, minh bạch.
“Với những trường để xảy ra lạm thu, nhằm bảo đảm quyền lợi của cha mẹ học sinh, trước hết, Sở yêu cầu trường phải trả lại cho học sinh những khoản thu sai. Sẽ xử lý nghiêm theo quy định và không loại trừ trường hợp sai phạm nào”, ông Quang nói.
Làm méo mó hình ảnh ngôi trường, người thầy
Theo Bộ GD&ĐT, để xảy ra vấn đề lạm thu, nguyên nhân chủ yếu do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước. Các cơ sở đã vẽ ra nhiều hoạt động biến tướng, rồi mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản ngoài quy định của Nhà nước” để thu tiền học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh thì chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Một số địa phương chỉ đạo và phân bổ NSNN cho cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp hơn mức tối thiểu theo QĐ số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có địa phương chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; chưa thanh kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu - chi tài chính. Việc này dẫn đến tình trạng không ít trường đã thu một số khoản ngoài quy định.
Theo ĐBQH Phan Viết Lượng, lạm thu làm méo mó hình ảnh ngôi trường, người thầy
ĐBQH Phan Viết Lượng, Ủy viên thường trực - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhìn nhận: “Tình trạng lạm thu rất phức tạp, để lại hậu quả không nhỏ, làm méo mó hình ảnh ngôi trường, người thầy. Chính vì vậy, cần quan tâm sâu sát, nhất là vào mỗi dịp đầu năm học, để có biện pháp chấn chỉnh”.
Chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Hà Nội TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Lý do chính của việc xảy ra lạm thu là các trường không thực hiện yêu cầu, chỉ thị của Bộ, sở GD&ĐT, xã hội hóa giáo dục chưa đúng mức, thu những khoản không cần thiết… Lạm thu xảy ra năm này qua năm khác, do cơ chế giám sát của trường, của cộng đồng đang bị buông lỏng.
Các khoản thu phải công khai và thông qua phụ huynh trước khi thu. Khi xảy ra lạm thu, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm mới có thể dứt điểm được lạm thu trường học”...
Tuấn Ngọc