Chiều 6/9, Công ty cổ phần – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn dài hạn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án trọng điểm về nguồn nước và cải thiện môi trường tại Bình Dương và các khu vực lân cận.

Khoản tài trợ này được coi là “tín dụng xanh” với lãi suất 6,92%/năm, theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP  của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, tạo cơ hội hỗ trợ BIWASE thúc đẩy sản xuất tuần hoàn và kinh doanh bền vững. Ông Đào Quang Trường, Tổng Giám đốc VDB, cho biết ngân hàng đang chuẩn bị nguồn vốn dồi dào để tài trợ các chương trình phát triển nhà ở xã hội, năng lượng, và ngành nước; trong đó BIWASE là một trong những đơn vị chủ đầu tư các dự án trọng điểm.

Biwase và VDB ký kết hợp tác
Biwase và VDB ký kết hợp tác (Ảnh: Báo Bình Dương)

BIWASE được tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ đầu tư, khai thác, kinh doanh hạ tầng đô thị, bao gồm cấp thoát nước và xử lý rác thải. Hiện công ty cung cấp nước sạch cho hơn 95% địa bàn tỉnh và xử lý rác thải với 100% hoàn toàn bằng công nghệ tái chế, không chôn lấp, hướng đến sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIWASE khẳng định, công ty luôn hướng đến công nghệ xanh và khép kín, tạo nên hệ sinh thái mang thương hiệu BIWASE. Công ty đã mở rộng đầu tư sang các doanh nghiệp khác cùng ngành như Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai và Công ty cổ phần Nước BIWASE Quảng Bình, đồng thời xúc tiến đầu tư phát triển nguồn nước cho các khu vực phụ cận.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đối với các tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị mạnh, thì việc “đi trước, đón đầu” để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường rất quan trọng.

Những năm gần đây, Bình Dương đã chủ động huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ODA để xây dựng dự án xử lý nước thải, xử lý rác, biến rác thành điện năng...

Các dự án được triển khai nhanh ở tỉnh phát triển công nghiệp, đã góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường của hoạt động sản xuất công nghiệp. Các khu vực đông dân cư, người lao động như TP. Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên... môi trường đang được dần cải thiện.

Nhiều dự án bảo vệ môi tường thành công nhờ nguồn vốn vay

Bình Dương đã có các dự án bảo vệ môi trường quy mô lớn được đưa vào hoạt động cũng sử dụng nguồn vốn vay như: Nhà máy nước thành phố Dĩ An do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ vốn, nhà máy nước thành phố mới Bình Dương do Hà Lan và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tài trợ vốn.

Ngoài ra còn có các dự án sử dụng vốn vay khác như 4 nhà máy xử lý nước thải công suất 90.000 m3/ngày đêm, nhà máy đốt rác phát điện 5 MW, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ từ rác công suất 840 tấn/ngày...

Hồ Đông