Chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI đang làm mưa làm gió trong ngành da giày Việt. Liệu rằng doanh nghiệp nội có cạnh tranh và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại trong xuất khẩu hay không khi chênh lệch nội - ngoại quá lớn.

77% giá trị xuất khẩu của ngành da giày thuộc khối doanh nghiệp FDI

Chiếm 77% tỷ trọng

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm 2015, da giày là một trong những ngành chiếm ngôi đầu về tốc độc tăng trưởng xuất khẩu với 30,4% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 1,87 tỷ USD giá trị. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh chủ yếu do sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) - cho biết: 77% giá trị xuất khẩu của ngành da giày hiện nay thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Do chi phí nhân công rất cạnh tranh so với các quốc gia sản xuất giày, dép khác nên dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam rất nhanh đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.

Xuất khẩu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI là hiện trạng tồn tại đã nhiều năm của ngành da giày Việt Nam. Hiện doanh nghiệp trong nước sản xuất và thu phí gia công là chủ yếu. Tình trạng trên được xác định do xuất phát điểm của ngành là gia công xuất khẩu.

Công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nội lép vế trong tỷ trọng xuất khẩu. Hiện, ngành mới chủ động được 30% da thuộc và mỗi năm phải nhập khẩu từ 1,1 - 1,5 tỷ USD nguyên liệu này cho sản xuất.

Chuyển hướng sản xuất

Thực tế, sản xuất gia công không hẳn là không tốt. Ở những thời điểm doanh nghiệp trong ngành chưa làm chủ được công nghệ, nhân lực chưa đáp ứng thì sản xuất gia công giúp giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài; doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất và được tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa doanh nghiệp nội cứ dừng mãi ở sản xuất gia công. Bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích: Lao động giá cạnh tranh là lực hút đầu tư FDI lớn nhất của da giày Việt Nam. Vì vậy, khi chất lượng lao động trong nước tăng, giá nhân công tăng, dòng doanh nghiệp này sẽ chuyển hướng ra khỏi Việt Nam, ngành da giày về cơ bản sẽ bị “hẫng”. Tuy nhiên, đó là nguy cơ lâu dài.

Trước mắt, sự áp đảo của các doanh nghiệp FDI trong tỷ trọng xuất khẩu phản ánh rõ khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp trong nước là thấp. Tới đây (ngày 24/3/2015), vòng đàm phán thứ 12 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU diễn ra. Đây có thể là vòng đàm phán cuối cùng, đi đến ký kết hiệp định thương mại này. Cũng có nghĩa cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu khổng lồ cho da giày Việt Nam đã gần kề. Nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động làm chủ công nghệ, phương thức quản lý và tiếp tục làm gia công thì cơ hội này bị doanh nghiệp FDI tận dụng là không tránh khỏi và doanh nghiệp nội rất khó “lật ngược thế cờ”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo, doanh nghiệp FDI là những tập đoàn lớn có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, công nghệ. Quan trọng hơn, họ có thị trường đầu ra quy mô toàn thế giới. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực, khó có thể cạnh tranh mà chỉ có thể cùng nhau phát triển. Các doanh nghiệp trong nước cũng không thể đi tắt mà cần có chiến lược lâu dài, có thể bắt đầu từ sản xuất gia công, từng bước chuyển sang những hình thức sản xuất cao hơn.

Bộ Công Thương yêu cầu, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại; đồng thời, cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng nhằm cung cấp các sản phẩm thị trường cần, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Theo báo Công thương