Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhóm chuyên gia Covid-19 của WHO đã gặp các quan chức Trung Quốc ngày 30/12 và nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc minh bạch và thường xuyên chia sẻ dữ liệu", nhằm đánh giá chính xác rủi ro và đưa ra phản ứng hiệu quả.

WHO đã yêu cầu thêm dữ liệu về trình tự gene, số ca nhập viện và tử vong, số ca cần chăm sóc đặc biệt, cũng như dữ liệu về tiêm chủng, đặc biệt ở nhóm dễ tổn thương và trên 60 tuổi. WHO cũng mời các nhà khoa học Trung Quốc trình bày dữ liệu chi tiết về trình tự gene virus tại cuộc họp của WHO dự kiến tổ chức ngày 03/01/2023.

Số ca nhiễm gia tăng trên khắp Trung Quốc và những nghi ngờ về dữ liệu được công bố của Bắc Kinh
Số ca nhiễm gia tăng trên khắp Trung Quốc và những nghi ngờ về dữ liệu được công bố của Bắc Kinh

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói rằng quan chức y tế của họ đã trao đổi quan điểm với WHO và dự kiến có nhiều cuộc trao đổi hơn trong tương lai.

Bắc Kinh đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt kiểu "zero COVID", bao gồm cả việc chấm dứt xét nghiệm hàng loạt và cách ly bắt buộc.

Trung Quốc đồng thời đưa ra một định nghĩa hẹp về tử vong do COVID-19, trong đó loại trừ bất kỳ ai mắc các bệnh nền từ trước.

Một số quốc gia - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Hàn Quốc - cho biết sẽ yêu cầu du khách từ Trung Quốc xuất trình bằng chứng xét nghiệm âm tính với COVID-19 nếu muốn nhập cảnh. Vài quốc gia trong số này cũng kêu gọi Bắc Kinh nâng cao tính minh bạch về dữ liệu số ca nhiễm và chết vì dịch.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias giải thích những yêu cầu mới là do họ lo ngại đợt bùng dịch tại Trung Quốc có thể làm xuất hiện các biến thể mới mà thế giới chưa biết đến.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng các bệnh viện lớn ở Thượng Hải đã ghi nhận số ca cấp cứu tăng gấp đôi trong vài ngày qua. Tại bệnh viện Ruijin, số lượt cấp cứu lên tới 1.500 mỗi ngày, trong đó 80% là bệnh nhân mắc Covid-19, theo Global Times ngày 30/12.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc ngày 30/12 chỉ trích yêu cầu xét nghiệm Covid-19 mà một số nước áp đặt với người từ Trung Quốc là "phân biệt đối xử".

Trang Nguyễn (t/h)