Việt Nam không ngừng nâng cao vị thế trên thế giới

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab trong cuộc gặp với Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 05/09/2023, đã nhấn mạnh: Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lý kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Việt Nam bước vào năm 2023 với những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới; xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. “Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo” (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. “Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính” (2IPD) của Việt Nam công bố trong tháng 10/2023 tăng 4,5 điểm, thuộc nhóm các nước đạt cấp độ 6/10, lên 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước và đứng thứ 7/30 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, liên tục suốt cả năm 2023 đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới. Nổi bật là sự kiện Việt Nam và Trung Quốc đã .....(đợi sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam); Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 02 nước sau 07 năm với 12 phiên đàm phán; Việt Nam đang khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (CEPA); Việt Nam và 13 đối tác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) cũng đã công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên giữa các thành viên. Với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 10/2023, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20).

Nhiều bứt phá trong cải thiện cơ cấu kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2023 của cả nước đạt khoảng trên 5,05%, cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình thế giới và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023.

Theo Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, môi trường bên ngoài đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp...

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và đang từng bước phục hồi. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn là động lực kinh tế chính; những trở ngại xuất khẩu đang giảm dần. Nông nghiệp phát triển ổn định là trụ đỡ của nền kinh tế và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới trong sự dịch chuyển và định hình một số chuỗi cung ứng mới của thế giới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Thực tế đã và đang ghi nhận làn sóng đầu tư mới từ Anh, Mỹ và Châu Âu trong các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng…

Truyền thông số, thanh toán số và kinh tế số cũng là điểm sáng của kinh tế số Việt Nam nhờ sự ủng hộ của Chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại, sự phổ biến rộng rãi của mã QR và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tổng giá trị hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022; tổng giá trị giao dịch của thanh toán số năm 2023 ước đạt 126 tỷ USD, cho vay kỹ thuật số ước đạt 4 tỷ USD.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, trong đó có việc đưa gần 700km đường bộ cao tốc vào sử dụng. Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9% so với năm trước. Cả nước có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước. Việt Nam thu hút 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023…

Dự báo, cả nước có thể hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra cho năm 2023, nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục được cải thiện; chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên; duy trì tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...

Việt Nam tiếp tục nhận được sự đánh giá cao và cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế trong năm 2023. Nổi bật là “chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc; “chỉ số đổi mới sáng tạo” tăng 2 bậc, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới.

TS Nguyễn Minh Phong