Tháng 01/2023 là tháng có số ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán nhiều nên tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 23,61 tỷ USD, giảm 18,7%; nhập khẩu đạt 22,95 tỷ USD, giảm 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 thặng dư 656 triệu USD.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Cụ thể, chỉ có hai nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu tăng so với tháng trước với mức tăng 61,7%, tương ứng tăng 1,92 tỷ USD; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 7,4%. Ngược lại, xuất khẩu nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm mạnh nhất 33,7%, tương ứng giảm 1,62 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 826 triệu USD; hàng dệt may giảm 650 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 503 triệu USD; giầy dép giảm 484 triệu USD; thủy sản giảm 279 triệu USD;...

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2023 lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 1,03 triệu tấn, với trị giá 911 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng nhập khẩu đã tăng 69,8% và trị giá tăng 99,7%.

Nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng mạnh ở hai thị trường chính là Hàn Quốc 369 ngàn tấn, tăng 3 lần; thị trường Singapore là 243 ngàn tấn, tăng 2,5 lần. Nhập khẩu từ Malaysia là 220 ngàn tấn, tăng 28,5% trong khi đó nhập khẩu từ Thái Lan là 83 ngàn tấn, giảm 18,4%.

Trước đó, thông tin về nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý IV/2022, khoảng 5,5 triệu m3/tấn cho 36 doanh nghiệp đầu mối. Năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.

Năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt là sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường. Từ đó, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; đề xuất các giải pháp kịp thời để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Lê Pháp (T/h)