Người đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa, người lại trách đội ngũ giáo viên yếu kém, không biết dạy Sử. Nhưng cũng có những ít ý kiến cho rằng, không thể đổ lỗi cho thầy cô, bởi năm ngoái, điểm Sử không đến nỗi nào, nhưng năm nay tự nhiên “đột quỵ”, chỉ còn hơn 10% thí sinh trên trung bình.
(Ảnh minh họa)
Một số chuyên gia giáo dục thì chỉ ra rằng, kỳ thi năm nay điểm Sử thấp là do chất lượng đề thi Sử “có vấn đề”. Đề thi không chỉ vượt quá trình độ học sinh phổ thông mà có nhiều câu đánh đố. Kết thúc môn thi, nhiều thí sinh trở ra ngoài với tâm trạng buồn bã và cho rằng, đề thi “dùng mẹo chơi chữ”… Lại có giáo viên lên tiếng, thi trắc nghiệm môn Sử sẽ không đánh giá hết được năng lực của học sinh. Lịch sử có đặc thù là môn học ghi nhớ, không cần tính toán nên cách thức thi trắc nghiệm là không phù hợp…
Nhưng trước khi bàn đến việc thi theo hình thức nào, điều cần nói hơn, đó là việc học môn Sử ra sao và học để làm gì?
Với nhiều học sinh, Sử là môn khi ra trường khó xin việc, nên các em “quay lưng” với môn học này. Chính vì vậy các em dành thời gian rất ít và chỉ cốt làm sao thoát “điểm liệt” để tốt nghiệp. Trong bối cảnh ấy, việc học và dạy Sử lại ít có sự thay đổi để môn Sử trở nên hấp dẫn hơn, chủ yếu vẫn chép và ghi trên lớp. Còn việc thi, vẫn đang ở dạng tìm tòi, thử nghiệm.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, một nhà đài đã làm cuộc phỏng vấn học sinh, hỏi Quang Trung - Nguyễn Huệ là ai? Rất nhiều em đã trả lời sai. Những câu trả lời ngô nghê khiến nhiều phụ huynh và các nhà giáo tâm huyết lo lắng và đau lòng. Lịch sử là cội rễ, là gốc gác của dân tộc. Con người có tổ tông thì đất nước có lịch sử. Không nhớ, không biết, không hiểu và yêu lịch sử, cũng như con người quên đi ông bà, cha mẹ của mình. Dân tộc Việt Nam, sở dĩ tồn tại đến ngày hôm nay là vì chúng ta luôn có niềm tự hào dân tộc. Để có niềm tự hào ấy, chúng ta luôn hiểu và nhớ về lịch sử dân tộc, lịch sử cha ông.
Vì vậy việc thi thế nào, học ra sao không chỉ đơn thuần có ý nghĩa trong mỗi kỳ thi. Chúng ta không thiếu nhân tài, cũng không cạn kiệt các chuyên gia tâm huyết, giỏi giang. Vấn đề là làm gì để việc học, việc thi đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả cao nhất, chứ không chỉ là các cuộc thử nghiệm. Nỗi trăn trở này, xin gửi đến những nhà quản lý giáo dục!
Bảo Ngọc (T/h)