Hội nghị có sự tham gia của đại diện hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các khu phố, phường, xã trên địa bàn TP Hạ Long; đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sản phẩm tái chế, mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh…

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Truyền thông đóng vai trò không nhỏ trong việc lan tỏa thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc cùng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, thông tin về các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá".

Các chuyên gia đã trình bày 4 chuyên đề: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nhựa; thực trạng và giải pháp hệ thống thu gom, tái chế chất thải; Truyền thông, kinh nghiệm trong sáng tác, viết các tác phẩm báo chí về tài nguyên và môi trường; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện và các giải pháp tối ưu hoá hệ thống sản xuất tuần hoàn; Phát huy vai trò của Hội LHPN trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thu gom, tái chế chất thải nhựa.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, trình bày chuyên đề tại hội nghị.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường cho biết, trên thế giới hiện có 29 triệu tấn rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm, tương đương với 50 kg rác mỗi mét dọc bờ biển trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ nhựa là 41 kg/người/năm, đứng thứ 3 ở ASEAN; tỷ lệ nhựa chiếm đến 13% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Nếu năm 2010, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được quản lý, thì đến năm 2025, con số này có thể tăng lên thành là 4,2 triệu tấn.

"Rác thải nhựa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Các hạt vi nhựa hấp thụ lượng lớn chất độc nông nghiệp và công nghiệp. Nhựa chứa Bisphenol A, Phụ gia chống cháy, chất hóa dẻo. Đây là các chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể con người theo các hạt vi nhựa, nguy cơ gây ung thư, hen suyễn, vô sinh, rối loạn tâm thần…", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo thống kê, mỗi ngày tỉnh Quảng Ninh phát sinh 1.300 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Để đảm bảo công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý được đồng bộ, tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp của Bộ TN&MT. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, từ đó hoàn thiện quy trình, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng loạt tại các địa bàn dân cư sau ngày 31/12/2024.

Những năm qua, tỉnh cũng đã nỗ lực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, tham gia phòng chống rác thải nhựa, đặc biệt trong du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, đạt nhiều kết quả tích cực. Các địa phương như Cô Tô và gần đây nhất là Vân Đồn, trở thành những điểm sáng của phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Ngày càng có nhiều người dân, hộ gia đình tích cực tham gia hưởng ứng các mô hình Ngôi nhà xanh, Biến rác thành tiền, Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền…

Việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, về pháp luật, chính sách, lợi ích và các mô hình thu gom, tái chế rác hiệu quả, mô hình sản xuất thân thiện môi trường, sẽ góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh.

Trần Trang