THCL Trong khi hàng nghìn người dân sống tại xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm (nay là phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) không có nước sạch để sử dụng, thì Công trình cấp nước sạch được đầu tư xây dựng với nguồn vốn gần 24 tỷ đồng nơi đây vẫn "đắp chiếu" hơn 6 năm qua, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Người dân “khát” nước sạch

Năm 2008, người dân xã Thượng Cát nhận được tin vui khi huyện Từ Liêm phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch xã Thượng Cát với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng (công trình chào mừng Kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô).

Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2009, do BQL dự án huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư, có tổng số vốn gần 29 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.800 mét khối/1 ngày đêm. Mục tiêu của dự án là xây dựng trạm cấp nước sạch cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong xã và một số công trình sản xuất, cơ quan trên địa bàn huyện.

Khi dự án triển khai, các hộ gia đình đã đóng tiền cho chính quyền địa phương để lắp đặt đồng hồ nước, hệ thống đường ống. Có nhà còn bỏ ra hàng triệu đồng để lắp đến 3 - 4 chiếc đồng hồ. Tuy nhiên, từ khi công trình hoàn thành đến nay vẫn chưa 1 lần được vận hành. Dù đã nhiều lần người dân kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay công trình vẫn bỏ hoang?

Bà Nguyễn Thị Sinh, Tổ trưởng Tổ dân phố Thượng Cát 1 cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc vì số tiền Nhà nước đầu tư là rất lớn, nhưng công trình xây dựng xong thì bỏ hoang nhiều năm qua, khiến cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng”.

Ông Ngô Xuân Kính, một người dân sống tại phường Thượng Cát bức xúc: “Quá xót xa, bởi gần 40 tỷ đồng của Nhà nước đầu tư, rồi người dân đóng góp hàng tỷ đồng để làm đồng hồ, ống dẫn nước vào từng hộ gia đình, nhưng công trình sau khi xây xong rồi bỏ hoang”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Được biết, trước khi khởi công xây dựng dự án, tháng 4/2007, UBND huyện Từ Liêm đã được Công ty Nước sạch Hà Nội đồng ý cho đấu nối sử dụng nguồn nước thô từ Dự án Xây dựng bãi giếng khai thác nước ngầm tại Thượng Cát để bổ sung cho NM nước Mai Dịch, do Công ty Nước sạch Hà Nội đang triển khai dẫn về hệ thống xử lý nước sạch Thượng Cát.

Đến tháng 9/2008, Công ty Nước sạch Hà Nội đã ký hợp đồng mua bán nước thô với UBND xã Thượng Cát. Nhưng đúng 1 tháng sau khi ký hợp đồng, DN này đã có bản thông báo gửi UBND huyện Từ Liêm về việc thống nhất lại phương án cấp nguồn khác, với lý do “nếu đấu nối tuyến nước thô DN 700 góp chung của bãi giếng Thượng Cát cấp cho hệ thống nước sạch tại đây, thì công suất của các bãi giếng tại Thượng Cát không đủ nước để cấp về NM nước Mai Dịch” (?!).

Song điều đáng nói là mọi việc đã quá muộn, bởi đến cuối năm 2009, Dự án Trạm nước Thượng Cát đã hoàn thành toàn bộ dây chuyền xử lý nước (gồm hệ thống cấp nước thô, bể lắng, bể lọc, bể chứa, mạng lưới đường ống)…

Kể từ năm 2010 đến nay, dù rất nhiều lần chính quyền địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện đã họp bàn với Công ty Nước sạch Hà Nội để thống nhất địa điểm khoan nguồn nước thô cung cấp cho Trạm cấp nước sạch Thượng Cát. Nhưng mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể và người dân vẫn đỏ mắt mong chờ.

Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch UBND phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) cho biết: “Trong những năm qua, người dân sống tại phường rất bức xúc vì dự án hoàn thành đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành để phục vụ nhu cầu của người dân. Chúng tôi rất mong TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành sớm có phương án vận hành trạm cấp nước sạch này để người dân được sử dụng nguồn nước sạch”.

Có thể khẳng định, dự án Trạm cấp nước sạch “đắp chiếu” nhiều năm qua - là lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Có hay không sự quan liêu khi “bắc nước chờ gạo người”? Ai phải chịu trách nhiệm trước thực tế này? Đây vẫn là một dấu hỏi lớn chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Tuấn Ngọc (Thương hiệu  & Công luận)