80% quảng cáo "trá hình" thực phẩm chức năng

Theo thông tin tại buổi Tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức hồi tháng 5/2024 cho biết, hiện có 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… “trá hình” thực phẩm chức năng.

Không khó để bắt gặp trên các nền tảng xã hội hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, các bệnh viện tuyến Trung ương bị các đối tượng lợi dụng cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình, "lừa" người tiêu dùng.

Chị Đặng Thị Huế (sinh sống tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) sau khi tìm hiểu trên mạng xã hội đã không đắn đo bỏ ra gần 10 triệu đồng mua 4 hộp “Bổ não hoạt huyết” với mong muốn cải thiện sức khỏe, trí nhớ, nhưng hiệu quả thực tế lại không được như mong muốn.

“Theo quảng cáo của doanh nghiệp và người bán hàng thì đây là loại thuốc rất hiệu quả cho người già bị tai biến, chỉ cần sử dụng đều đặn trong nửa tháng là người bệnh tiến triển rất tốt, nhưng 2 tháng qua, bố tôi uống hết cả 4 hộp mà sức khỏe và trí nhớ không hề được cải thiện, thậm chí còn yếu hơn”, chị Huế bức xúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Văn H., 62 tuổi, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, “Gần đây khi xem YouTube, tôi lại bắt gặp quảng cáo thuốc trị xương khớp, tiểu đường. Chúng xuất hiện ở cả các video hoạt hình và chương trình dành cho trẻ nhỏ”.

Các video quảng cáo thuốc vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Nội dung quảng cáo sẽ được lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi sau khi sử dụng thuốc.

Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng... như thuốc chữa bệnh. Trong các bài quảng cáo này, luôn kèm những câu khẳng định như: "Tốt nhất; chữa dứt điểm; xóa bỏ tình trạng đau nhức, khỏi ngay tại nhà...".

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Trong khi đó, không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng vì lợi nhuận mà quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.

Thậm chí có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng nhưng khi làm việc với doanh nghiệp, họ lại chối không liên quan đến các quảng cáo về sản phẩm đó.

Thực trạng nhức nhối này trong ngành thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua, trên trang mạng xã hội và website (//www.chamsocsuckhoeviet.online/antamduong) quảng cáo sản phẩm thực phẩm An tâm đường vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Website sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm thực phẩm An tâm đường có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Siết chặt quảng cáo

Liên quan đến nhiều loại thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh, mới đây, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng về việc tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng.

Nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị chấp hành quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng theo quy định.

Chỉ quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Nội dung quảng cáo phải chính xác, đúng với công dụng và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; tuyệt đối không quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo. Cụ thể, đối với các sàn thương mại điện tử cần thiết lập quy trình kiểm duyệt nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trước khi đăng tải trên nền tảng. Quảng cáo phải tuân thủ các tiêu chuẩn về nội dung đã được phê duyệt.

“Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm được đăng bán trên sàn của mình. Trường hợp phát hiện vi phạm, sàn phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” – Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Cũng theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải đảm bảo nhân viên, cộng tác viên kinh doanh không truyền đạt sai lệch về công dụng của sản phẩm, không tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm dưới hình thức thăm khám chữa bệnh.

Xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung đã được phê duyệt. Cơ sở vi phạm sẽ bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và cảnh giác.

Đồng thời, doanh nghiệp liên quan cần chủ động rà soát, ngăn chặn các hành vi lợi dụng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là qua các cá nhân có ảnh hưởng để quảng bá sai lệch.

Hoàng Bách