Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thành phố có 19/23 khu công nghiệp, khu chế xuất đã được thành lập với tổng diện tích 4.546,14 ha/5.921,15 ha, chiếm 76,78% quy mô diện tích đất quy hoạch tính đến năm 2020.
Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 19 khu công nghiệp, khu chế xuất đã thành lập đạt 66%. Nếu chỉ tính 17 khu đang hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt 72,17%.
Thành phố còn 4/23 khu công nghiệp chưa thành lập, trong đó có Khu công nghiệp Bàu Đưng (175 ha), Khu công nghiệp Phước Hiệp (200 ha) và Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (300 ha) không có chủ đầu tư, chưa triển khai thủ tục xây dựng.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, toàn bộ diện tích quy hoạch của Khu công nghiệp Phạm Văn Hai không có đất lúa.
Phần lớn diện tích chỉ trồng cây nông nghiệp, nhưng năng suất thấp, sinh trưởng kém vì môi trường là đất phèn, nhiễm mặn vào mùa khô, rất thuận lợi trong chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác hiệu quả quỹ đất này.
Như vậy, nếu đưa Khu công nghiệp Phạm Văn Hai vào quy hoạch sẽ hình thành vùng công nghiệp trọng điểm của khu vực phía Tây của TP. Hồ Chí Minh, liên kết các khu công nghiệp của thành phố và tỉnh Long An, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương và khu vực lân cận, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động.
Khu công nghiệp Phạm Văn Hai được định hướng tập trung thu hút các ngành nghề trọng tâm ưu tiên, gồm: ngành cơ khí chế tạo máy, trang thiết bị điện, cơ điện tử, robot công nghiệp, cơ khí chính xác, ngành điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, vi mạch.
UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đồng thuận việc bổ sung Khu công nghiệp này vào quy hoạch các Khu công nghiệp của thành phố và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Nguyễn Tùng