Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
Theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tháng 11, ước đạt 108.022,6 tỷ đồng, giảm 0,8% so tháng trước, tăng 14,6% so cùng kỳ 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.081.301,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ 2022.
Cụ thể: Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, tháng 11, ước đạt 62.328,3 tỷ đồng, chiếm 57,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 2,6% so tháng trước và tăng 17,9% so cùng kỳ 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao trên 10% so cùng kỳ, như: Lương thực, thực phẩm tăng 18,0%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 34,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 25,7%; xăng, dầu tăng 43,3%; đá quý, kim loại tăng 61,9%; sửa chữa xe có động cơ tăng 62,9%. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 634.636,6 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ 2022.
Về doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, tháng 11, ước đạt 10.123,9 tỷ đồng, chiếm 9,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 3,7% so tháng trước và tăng 29,3% so cùng kỳ 2022.
Trong đó, doanh thu hoạt động lưu trú giảm 1,2% so tháng trước và tăng 121,7% so cùng kỳ 2022; doanh thu hoạt động ăn uống tăng 4,3% so tháng trước và tăng 22,5% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 99.352,6 tỷ đồng, tăng 30,2% so cùng kỳ 2022; doanh thu lưu trú tăng 55,2%; doanh thu ăn uống tăng 27,7%.
Hoạt động lưu trú và ăn uống có mức tăng cao, do thành phố tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc trưng ở từng quận, huyện để thu hút du khách.
Về doanh thu dịch vụ lữ hành, tháng 11, ước đạt 973,8 tỷ đồng, giảm 11,0% so tháng trước và tăng 58,4% so cùng kỳ 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu lữ hành ước đạt 10.075,7 tỷ đồng, tăng 70,2% so cùng kỳ 2022. Do ảnh hưởng thời tiết và đã qua mùa du lịch cao điểm nên du khách nội địa giảm mạnh, trong khi lượng khách quốc tế tăng không đáng kể.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác, tháng 11, ước đạt 34.596,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 5,2% so cùng kỳ 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác, ước đạt 337.236,6 tỷ đồng (tương đương so cùng kỳ 2022). Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản chiếm 61,7% trong nhóm doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác, có mức giảm 3,4% so cùng kỳ 2022; doanh thu dịch vụ hành chính chiếm 14,9%, tăng 3,2% so cùng kỳ.
Đối với tổng doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tháng 11, ước đạt 31.724 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 56,3% so cùng kỳ 2022. Luỹ kế 11 tháng năm 2023, ước đạt 291.682 tỷ đồng, tăng 21,2% so cùng kỳ 2022.
Cũng theo Cục Thống kê TP. HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 11, tăng 0,13%; có 2/11 nhóm hàng hóa giảm là thiết bị, đồ dùng gia đình (-0,46%) và bưu chính viễn thông (-0,32%); 9/11 các nhóm còn lại tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+0,49%).
So với tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,61%, trong đó chỉ có nhóm dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 3,97%; 10 nhóm còn lại đều tăng giá, nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng là 8,11%.
Bình quân 11 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,36% so cùng kỳ (bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 2,54%), chỉ trừ nhóm giao thông giảm 2,32% và bưu chính viễn thông giảm 1,91%; 9 nhóm còn lại đều tăng. Trong đó: Các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,63%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,86%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,36%, giáo dục tăng 13,94%.
Bên cạnh đó, chỉ số giá vàng, tháng 11, tăng 1,31% so tháng trước, tăng 4,88% so tháng 12/2022 và tăng 4,56% so cùng kỳ; bình quân 11 tháng năm 2023, tăng 1,26% so cùng kỳ.
Ngoài ra, chỉ số giá USD, tháng 11, tăng 0,05% so tháng trước, tăng 1,46% so tháng 12/2022 và giảm 1,11% so cùng kỳ; bình quân 11 tháng năm 2023, tăng 2,53% so cùng kỳ.
Đảm bảo hàng hoá phục vụ thị trường Tết
Hiện nay, TP. HCM đã có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường. Mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25 - 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…
Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung - cầu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Sở Công Thương TP. HCM khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phát huy vai trò quản lý, kiểm soát thị trường, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Với những nỗi lực chuẩn bị nguồn cung hàng hoá, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo..., sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. HCM.
Lê Quang Trung - Trường ĐHCN Việt - Hung