Rơi vào bế tắc?

Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước vào cuộc “giải cứu” nông sản: Giúp người trồng chuối ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; giúp nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi… Và mới đây, cả nước tập trung sức lực vào giải cứu thịt lợn cho người chăn nuôi; trứng gà đang rớt giá mạnh khiến người nông dân điêu đứng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Giải cứu” nông sản hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm thua thiệt cho nông dân trước mắt. Về lâu dài, cần phải nắm rõ thị trường để có định hướng đúng trong việc mở rộng diện tích nông sản xuất khẩu.

Tìm “nhạc trưởng” cho thị trường nông sản - Hình 1

Nông sản dư thừa, nguyên nhân do đâu?

Theo TS. Đặng Kim Sơn, hiện sản xuất nông nghiệp rất manh mún. Hoạt động thu mua của thương nhân cũng mang tính chất nhỏ lẻ, chi phí giao dịch cao. Do sản xuất và kinh doanh phân tán nên tín hiệu thị trường vận hành không thông thoáng, sản xuất và tiêu thụ bị chia cắt. Điều này dẫn đến hậu quả nhãn tiền đó là “được mùa mất giá” liên tiếp. Lâu nay, chúng ta vẫn chưa xử lý được tận gốc vấn đề này!

Công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa thay đổi đáp ứng kịp với cơ chế thị trường hiện đại. Vẫn chỉ lo làm sao để phát triển cung, trong khi thiếu quan tâm, thiếu nắm bắt tình hình cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển chủ yếu của các cơ quan, đơn vị, địa phương là nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng số lượng và quy mô sản xuất. Hậu quả, nhiều mặt hàng, diện tích sản xuất đã vượt quá quy hoạch nhưng không có cách nào điều tiết. Mục tiêu giá trị, thu nhập, hiệu quả, tính bền vững chưa được coi trọng.

“Điều này thể hiện ngay trong cơ cấu bộ máy tổ chức các bộ, ngành. Đa phần các cục, vụ, viện chỉ lo quản lý, thúc đẩy sản xuất để đúng thời vụ, đạt chỉ tiêu, ít quan tâm đến việc phát triển thị trường thế nào, bán hàng ra sao? Đa số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật sản xuất; rất ít cán bộ có chuyên môn, năng lực kinh doanh. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu địa phương vẫn quen chỉ đạo “nuôi con gì, trồng cây gì”, chưa có sự định hướng phát triển thị trường…”, TS. Sơn bày tỏ.

“Nắm” lấy thị trường

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương thiếu hệ thống cảnh báo, thiếu thông tin thị trường kịp thời cho ngành sản xuất nông sản, chăn nuôi. Còn vấn đề nguồn cung vượt cầu, không cần giải pháp mà để tự thị trường điều chỉnh, nông dân sản xuất nông sản không đảm bảo chất lượng, không liên kết tiêu thụ, sẽ phải tự ngừng sản xuất, lúc này nguồn cung tự cân đối với nhu cầu.

TS. Nguyễn Đức Thành: “Việc nông sản dư thừa, nguyên nhân không phải do người nông dân mà phải thẳng thắn nhận định do năng lực của 2 bộ NN&PTNT và Công Thương. Chính 2 bộ này, phải chịu trách nhiệm trong việc nông sản ế đọng phải… “giải cứu”!

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho DN áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm nông sản, chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nên có hệ thống chuẩn đoán được khối lượng và giá cả mỗi loại hàng nông sản để thông báo cho các địa phương. Nhà nước cần nắm được thị trường các nước đang thiếu mặt hàng nông sản cụ thể để người sản xuất, DN có kế hoạch, chiến lược phát triển chào hàng, mở thị trường.

Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phải thường xuyên gửi thông báo thị trường đến Bộ NN&PTNT để kịp thời thông tin đến các địa phương. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta cần thương thuyết ký hiệp ước giao thương các mặt hàng cụ thể chưa ghi chi tiết trong các hiệp định tự do thương mại. Hiệp định này, sẽ làm cơ sở cho các DN Việt Nam tìm đối tác Trung Quốc ký hợp đồng mua bán hàng nông sản một cách chính thức, thay vì chỉ xuất theo tiểu ngạch.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit cho biết: Nông sản Việt Nam đa dạng, nguồn cung dồi dào nhưng giá trị xuất khẩu không cao vì chủ yếu xuất bán dạng thô, ít hàng chế biến có giá trị gia tăng cao. Nhà nước nên có chính sách chú trọng xây dựng trong khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản. Xác định đây là một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp phát triển mang tính bền vững hơn.

Đặc biệt, việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản ở các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu, cần khuyến khích DN tư nhân tham gia. Để thu hút đầu tư, Nhà nước cần hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, hỗ trợ quỹ đất, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản ra thị trường thế giới…

Tìm “nhạc trưởng” cho thị trường nông sản - Hình 2

Giải pháp tổng thể

TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần tạo một môi trường phát huy được ưu thế của cơ chế thị trường, vừa khắc phục được khiếm khuyết của nó. Phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chủ động ra quyết định và tự chịu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh. Đối với cơ quan chức năng, người dân cần nhất là nghiên cứu thị trường, được cung cấp thông tin và định hướng về thị trường: tiêu chuẩn, chính sách, kênh phân phối tiêu thụ...

“Một khoảng trống quan trọng hiện nay là chưa có tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm về vấn đề nghiên cứu thị trường, ngành hàng và hệ thống thông tin thị trường cho nông dân. Nên hình thành cơ quan, tổ chức chuyên trách làm nhiệm vụ thiết yếu này. Các tổ chức phải có cơ chế vận hành hiệu quả, bám sát được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những kết quả nghiên cứu của các tổ chức nên công bố rộng rãi, để DN, các cá nhân chủ động đưa ra quyết định đầu tư, thu hẹp hoặc mở rộng quy mô kinh doanh, điều chỉnh ngành nghề. Từ đó, giúp người dân nắm bắt, dự báo được tình hình thị trường, chứ không phải việc đã rồi mới đưa ra phương pháp “giải cứu” cảm tính như hiện nay.

Các tổ chức nên áp dụng mô hình theo kiểu liên kết công - tư. Phần nghiên cứu thông tin mang tính chất cơ bản, phi lợi nhuận cho đông đảo nông dân thì Nhà nước sẽ làm, những thông tin đem lại lợi nhuận có thể “trao quyền” cho DN. Khi Nhà nước và DN cùng làm, sẽ hiệu quả hơn. Nguyên tắc này, có tác dụng đặc biệt trong điều kiện nguồn ngân sách trung ương có hạn, nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) đang bị thu hẹp dần”, TS. Đặng Kim Sơn phân tích.

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: “Câu chuyện “giải cứu” nông sản ế phải có giải pháp tổng thể, bắt đầu từ Nhà nước; cần thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.

Phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã để giải quyết bài toán sản xuất manh mún, đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác DN chế biến, bán lẻ, xuất khẩu".

Hoan Nguyễn