DN vẫn gặp nhiều khó khăn

Sau 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, một số địa phương trên cả nước đã xây dựng chương trình/kế hoạch/đề án hỗ trợ DNNVV (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đắk Lắk, An Giang, Hà Nội, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Tĩnh…).

Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV. Mới có 26/63 địa phương triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch hỗ trợ DNNVV; 20 địa phương phê duyệt đề án, kế hoạch và chỉ có một số địa phương bố trí được ngân sách để thực hiện. Các bộ chưa xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực ngành quản lý.

Một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất… đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế, vì cần phải được quy định hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan về thuế, tín dụng và đất đai…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN dự kiến chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội năm 2018 - 2019. Như vậy, ít nhất trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, các DNNVV sẽ chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế TNDN, miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ cho DN siêu nhỏ về thủ tục hành chính (TTHC) thuế và chế độ kế toán chưa được cụ thể hóa và triển khai trên thực tế. Trong khi theo phản ánh của địa phương và báo cáo đánh giá của ADB, rào cản lớn nhất hiện nay khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển sang DN đó là chính sách thuế và chế độ thuế, kế toán, thanh kiểm tra.

Tại “Hội nghị đối thoại với DN về cải cách TTHC liên quan đến DN năm 2018; đánh giá tác động 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV” mới đây, ông Nguyễn Văn Thân, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ, Chủ tịch TW Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2018 đã tháo gỡ nhiều rào cản về thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Thân cũng cho biết, cộng đồng DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường làm ăn chân chính của mình. Nhiều số liệu được công bố trên các phương triện truyền thông phản ánh gần đây cho thấy, tác động của cải cách và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với các DNNVV chưa được như mong muốn.

Cụ thể: Mục tiêu cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP Chính phủ đặt ra khó thực hiện. Số liệu về DN tạm ngừng hoạt động, giải thể năm 2018 xu hướng tăng 47%, trong khi đó, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng 28%. Cảm nhận của DN về những chính sách hỗ trợ theo tinh thần của luật chưa mang tính thực tiễn.

Chính điều này, đặt ra câu hỏi: Môi trường kinh doanh cho DN, hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - đã thực sự thuận lợi chưa, đã đi vào thực chất chưa?

Tìm cách “gỡ vướng” cho doanh nghiệp - Hình 1

Ảnh minh họa

Bước sang năm 2019 - năm bản lề của việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đang khẩn trương rà soát, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội DN để hoàn thiện bản Nghị quyết 19/NQ- CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 và những năm tiếp theo.

Kỳ vọng, bản nghị quyết lần này - sẽ đưa ra nhiều giải pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Bàn về giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng:

Đối với Chính phủ, bộ, ngành, Ngân hàng nhà nước, hiệp hội, cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách hỗ trợ đã ban hành (công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp - nông thôn…). Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh DNNVV (phối hợp tốt hơn giữa quỹ, tổ chức tín dụng, hiệp hội, chính quyền địa phương….) và Quỹ phát triển DNNVV theo mô hình mới. Cân nhắc về cơ chế trần lãi suất cho vay đối với DNNVV. Có cơ chế hỗ trợ, ghi nhận các ngân hàng thương mại có quy mô dư nợ DNNVV lớn. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác giúp DNNVV. Chuẩn hóa hệ thống thông tin DN; phát triển hệ sinh thái DN (B2B) trên nền tảng công nghệ.

Đồng thời, tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư (nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản DN, kết cấu hạ tầng, logistics, hỗ trợ tiếp cận CMCN 4.0...).

Phát triển cân bằng thị trường tài chính (nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…) nhằm giảm phụ thuộc vốn ngân hàng và tăng nguồn vốn dài hạn.

Tăng cường vai trò của Hiệp hội DNNVV, thúc đẩy gắn kết VINASME với các hiệp hội SMEs địa phương (nhất là trong cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và kết nối...). Tăng cường hợp tác quốc tế (ADB, JICA, WB) trong phát triển, hỗ trợ SMEs (vốn ưu đãi, đào tạo, công nghệ…).

Đối với các định chế tài chính, cần thiết kế các sản phẩm, quy trình tín dụng đặc thù, phù hợp hơn đối với DNNVV. Phát triển hình thức cấp tín dụng theo chuỗi giá trị, hợp tác với DN lớn để phối hợp tài trợ cho các DNNVV. Nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp với các quỹ (nhất là Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV theo mô hình mới, các quỹ tài chính quốc tế…), hiệp hội để chia sẻ thông tin, kết nối DN… Đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; giảm thiểu thủ tục hành chính (qua đó, có thể tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV).

Tăng cường cung cấp các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo…) cho các DNNVV. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức của DNNVV về tài chính - tín dụng.

Đối với DNNVV, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tin dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chủ động tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DNNVV (nên có chuyên viên về quản lý tài chính/vốn).

Tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị (nhất là liên kết DN FDI). Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng quản trị DN và quản lý rủi ro bài bản hơn. Củng cố, tăng cường, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, phát triển văn hóa DN và qua đó, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong kinh doanh.

Đối với chính quyền địa phương, cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh (nhất là TTHC và khảo sát PCI); tăng cường vai trò kết nối giữa chính quyền - DN, giữa ngân hàng - DN và hiệp hội với DN; tích cực tham gia xử lý nợ xấu (theo NQ42 của Quốc hội); phối hợp nâng cao nhận thức, kiến thức của công chức, người dân và DN về dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Chiều 17/12/2018, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về xây dựng nghị quyết mang tính “xương sống” cho năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.

Một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2019, theo Thủ tướng, cần xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, nhấn mạnh đây là nền tảng để tạo nên bộ máy nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN và người dân. Mọi cấp, mọi ngành, nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân phải làm tốt khâu này, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Gia Linh