Tiếp bài Hội đồng GĐYK Nam Định: Những “tắc trách” cần làm rõ - Hình 1

Hội đồng GĐYK Nam Định

Đó là ý kiến của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH gửi Giám đốc Sở Y tế Nam Định, sau khi cơ quan này tiến hành lập đoàn thanh tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ, kết luận của Hội đồng GĐYK Nam Định đối với các đối tượng hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp không đúng với quy định của pháp luật.

Phát hiện nhiều hồ sơ giả mạo

Liên quan đến thông tin bài viết "Hội đồng GĐYK Nam Định: Những “tắc trách” cần làm rõ" - Thương hiệu & Công luận đã phản ánh ngày 25/9 vừa qua, làm việc với các cơ quan liên quan để xác minh, tìm hiểu thông tin, làm rõ vấn đề, PV được biết, ngày 10/8/2018, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 546/TTr-NCC về việc chấn chỉnh công tác GĐYK đối với các trường hợp hưởng chế độ chất độc hóa học gửi Sở Y tế Nam Định.

Trong đó, có nội dung:

Ngày 2/8/2018, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ban hành Kết luận thanh tra số 344/KL-TTr về thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công tại tỉnh Nam Định, trong đó có một số sai phạm liên quan đến công tác GĐYK đối với các trường hợp hưởng chế độ chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thông báo và kiến nghị đối với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định thực hiện một số nội dung:

Về sai phạm liên quan đến công tác GĐYK: Kiểm tra ngẫu nhiên 460 hồ sơ, giám định bệnh đái tháo đường type 2 tại Hội đồng GĐYK Nam Định, phát hiện 321 trường hợp được Hội đồng GĐYK Nam Định khám, giám định, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm CĐHH hoặc kết luận dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến không đúng quy định.

Cụ thể:

Xác định 288 trường hợp được Hội đồng GĐYK tỉnh khám, giám định thêm các bệnh khác ngoài bệnh đái tháo đường type 2 theo giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH Nam Định dẫn đến kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn mức quy định tại mục 5.1.2 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh lý hệ nội tiết và rối loạn chuyển hóa, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH.

Xác định 26 trường hợp đang hưởng chế độ bệnh binh, đồng thời hưởng thêm chế độ chất độc hóa học do mắc bệnh đái tháo đường type 2, được Hội đồng GĐYK Nam Định kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn mức quy định tại mục 5.1.2 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh lý hệ nội tiết và rối loạn chuyển hóa, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 27/9/2013 của Bộ y tế và Bộ LĐ-TB&XH dẫn đến kết luận tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể cho các đối tượng cao hơn 81%, đối tượng được hưởng thêm phụ cấp người phục vụ.

Xác định 4 trường hợp Hội đồng GĐYK Nam Định chỉ căn cứ vào kết quả điều trị của bệnh viện để kết luận đối tượng bị mắc bệnh “Ung thư gan nguyên phát” và kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể cao hơn mức tỷ lệ quy định tại mục 7.12.2.1 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh ung thư gan nguyên phát, ban hành theo Thông tư liên tịch số 28. Trong đó, có trường hợp Hội đồng GĐYK Nam Định chỉ căn cứ vào giấy ra viện của bệnh nhân để kết luận bệnh ung thư gan nguyên phát, trong khi thực tế, họ lại không điều trị bệnh này tại bệnh viện (?!).

Xác định 3 trường hợp con đẻ của người hoạt động kháng chiến đang hưởng chế độ, được Hội đồng GĐYK Nam Định khám, giám định, kết luận tổn thương cơ thể từ 61% trở lên do dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học không đúng mã bệnh quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 30/6/2016 và Quyết định số 3194/QĐ-BYT, ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế...

Trong đó, tại huyện Hải Hậu, phát hiện có 15 người giả mạo, khai man hồ sơ hoặc con đẻ không bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, còn khả năng lao động phải đình chỉ chế độ và thu hồi tiền trợ cấp không đúng quy định.

Tiếp bài Hội đồng GĐYK Nam Định: Những “tắc trách” cần làm rõ - Hình 2

Công văn của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH gửi Giám đốc Sở Y tế Nam Định

Kiểm điểm cá nhân, tập thể sai phạm

Phó chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Đàm Thị Minh Thu cho biết:

Theo quy định, các đối tượng khi tham gia kháng được xét nhiễm chất độc hóa học, phải đủ điều kiện: Tham gia hoạt động kháng chiến nằm trong vùng từ Vĩ tuyến 17 trở vào (từ huyện Gio Linh, Quảng Trị) trở vào; bản thân đối tượng bị mắc các bệnh theo danh mục quy định của Bộ y tế; sinh con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, hoặc bị vô sinh do nhiễm chất độc hóa học, sinh con trước khi tham gia kháng chiến, nay về không sinh con nữa khi đã hết tuổi lao động.

Nam Định, hiện có khoảng 16.000 đối tượng đang hưởng chế độ chất độc hóa học theo quy định.

Sau khi có đơn thư tố cáo của người dân gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc có hiện tượng tiêu cực, xuất hiện đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án, “chạy” chế độ hưởng trợ cấp của một số đối tượng tại Nam Định, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Công an lên kế hoạch thanh tra toàn diện tại địa phương này trong công tác giám định, kết luận và hưởng trợ cấp theo chế độ chính sách.

Qua đó, đã phát hiện có những đối tượng hưởng không đúng quy định; một số bị làm giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng trợ cấp; số tiền phải truy thu là rất lớn, có những người lên đến hàng trăm triệu đồng và Bộ Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc các đối tượng trong diện hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng hoàn trả khoản tiền đã hưởng do chênh lệch mức trợ cấp hoặc hưởng không đúng đối tượng thì cho... “treo nợ”.

Đây hoàn toàn là do lỗi của Hội đồng GĐYK Nam Định, đã thực hiện việc khám, giám định và kết luận chưa đúng với quy định; Sở LĐ-TB&XH tỉnh chỉ giới thiệu các đối tượng để Hội đồng GĐYK tỉnh khám, giám định bệnh đái tháo đường type 2 và căn cứ vào kết luận của Hội đồng GĐKY để sở này áp mức trợ cấp hàng tháng theo quy định đối với các đối tượng.

Một số đối tượng không có kết luận biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2, nhưng vẫn được hội đồng này đưa vào để nâng tỷ lệ tổn thương cơ thể cao hơn mức quy định dẫn đến việc được hưởng trợ cấp hàng tháng cao hơn quy định.

Nếu các đối tượng không đồng ý việc bị điều chỉnh hạ mức tỷ lệ tổn thương cơ thể, thì liên hệ với Hội đồng GĐYK để được giải quyết hoặc đề nghị Hội đồng GĐYK Trung ương khám, giám định lại. Nếu kết luận có tỷ lệ biến chứng do đái tháo đường type 2, thì vẫn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp theo đúng mức quy định.

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Giám đốc Sở Y tế Nam Định, theo đó, chỉ đạo Hội đồng GĐYK tỉnh rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác GĐYK, thực hiện việc khám, giám định, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể đúng quy định pháp luật, chấm dứt ngay các sai phạm nêu tại mục 1 tại Công văn; kiểm điểm các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm. Nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực trong vấn đề trên, thì đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật...

Ông Vũ Kim Danh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định nhấn mạnh:

Thực hiện Kết luận thanh tra số 344/KL-TTr, ngày 2/8/2018 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Nam Định, trong đó có nội dung ban hành Quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm tập thể đối với những trường hợp giả mạo, khai man hồ sơ, hoặc con đẻ của họ không bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, còn khả năng lao động để được xác nhận và hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm tập thể phải đình chỉ chế độ, thu hồi trợ cấp đã hưởng không đúng quy định.

Tiếp bài Hội đồng GĐYK Nam Định: Những “tắc trách” cần làm rõ - Hình 3

Công văn của Sở LĐ-TB&XH Nam Định gửi phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố

Sở LĐ-TB&XH Nam Định đã yêu cầu phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung:

Phối hợp với UBND cấp xã nơi có đối tượng phải đình chỉ chế độ, chuyển thông báo của Sở về việc đình chỉ chế độ, thu hồi trợ cấp người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học theo danh sách để được biết và thực hiện.  Hướng dẫn và giải thích để các đối tượng biết và chấp hành nghiêm túc Kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH.

Ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi trợ cấp người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với UBND cấp xã  thường xuyên đôn đốc, thu hồi khoản trợ cấp đã hưởng sai, nộp vào Tài khoản tạm giữ của Bộ LĐ-TB&XH tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH Nam Định cũng báo cáo, đề xuất với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH xem xét, miễn truy thu số tiền chênh lệch đã hưởng, kể cả phụ cấp, trợ cấp người phục vụ (nếu có) nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nguyễn Kiên