Thời gian gần đây theo thông tin đường dây nóng của tòa soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh và lời “kêu cứu” của người dân xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ về tình trạng khai thác cát khiến cho bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cánh đồng phù sa phì nhiêu màu mỡ đang đứng trước nguy cơ bị dòng sông nuốt chửng.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Lô đoạn qua xã An Đạo, ông Hoàng Hồng Thái, khu 11, xã An Đạo chỉ tay về phía bở sông đã bị sạt lở nhiều đoạn cho biết, ông cùng 15 hộ dân đã làm đơn kiến nghị lên các cấp về tình trạng khai thác cát khiến cho khu đất canh tác bãi bồi non có nguy cơ bị dòng sông cuốn phăng xuống dòng chảy.
Để tiếp cận rõ hơn, chúng tôi đi về phía những con tàu múc cát làm việc. Tại hiện trường, 7 con tàu cẩu dây văng và gầu văng đang hối hả thực hiện nhiệm vụ “moi ruột lòng sông”. Tiếng máy chạy, tiếng người nói khiến khúc sông trở nên nhộn nhịp đối lập hẳn với những tiếng thở dài não nề của người dân đang canh tác tại khu vực bãi non này.
Theo tìm hiểu, khu 8 và Khu 10 là bãi bồi non, năm 2003 UBND xã An Đạo cho một số hộ dân đấu thầu làm một vụ ngô, sau lên thành hai vụ/năm. Đến năm 2018, UBND xã cho bà Lê Thị Ý (Khu 3) đấu thầu khoảng hơn 33 nghìn m² để chuyển đổi sang trồng cây lâu năm. Song người dân chẳng thấy loài cây nào được trồng mà sang năm 2019 trở thành khu mỏ khai thác cát, hiện chỉ còn 1/3 diện tích so bãi cũ (!?). Ngày 29/11/2019, một số thanh niên ngồi câu cá ở khu vực này thì bãi lở rơi xuống sông.
Được biết, Công ty Xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ được cấp phép khai thác tại xã An Đạo và Bình Bộ (Phù Ninh) với diện tích 18,8 ha, độ sâu tối đa 2m. Trong giấy phép đơn vị này, vị trí khu vực khai thác: Mỏ cát sông Lô thuộc xã An Đạo, Bình Bộ huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cùng diện tích khai thác là 18,84 ha, loại khoáng sản được phép khai thác là cát xây dựng, độ sâu được phép khai thác thấp nhất là +2.0 m, sản lượng khai thác hàng năm 28.000 m3 với thời hạn khai thác là 3 năm kể từ ngày ký giấy phép khai thác.
Được biết, tại văn bản số 26/SXD - VLXD về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô của công ty Gia Thịnh ngày 20/2/2019 của sở Xây Dựng tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Chế độ làm việc của mỏ quy định số ngày làm việc của một năm là 250 ngày, số ca làm việc trong 1 ngày là 1 ca, số giờ làm việc trong 1 ca là 8 tiếng.
Căn cứ vào những quy định nêu trên yêu cầu công ty Gia Thịnh bố trí tàu, loại tàu khai thác đảm bảo an toàn và không được vượt công suất khai thác của mỏ hàng năm như sau; Tàu cuốc khai thác số lượng 02 chiếc, dự phòng 1 chiếc, cầu gầu dây số lượng 02 chiếc dự phòng 1 chiếc, 03 chiếc xà lan vận chuyển 200 tấn, sử dụng sà lan vận chuyển cát, sỏi nguyên khai từ khai trường về bãi tập kết tại khu 10 xã Trị Quận huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, tại vị trí khai thác của công ty Gia thịnh luôn có 6 chiếc cẩu gầu dây và cả 6 chiếc hoạt động hết công suất, chung quanh gần chục xà lan đầy ắp cát.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND An Đạo và được xác nhận, trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn xã có một công ty được cấp phép khai thác cát, sỏi là công ty Gia Thịnh đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản từ ngày 22/01/2019 tại giấy phếp số 07/GP-UBND. Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp hồ sơ cũng như giấy phép khai thác cát của công ty Gia Thịnh thì ông Hồng liên tục viện lý do đã giao cho công xã.
Theo một đơn vị khai thác cát, loại tàu có gắn dây văng, gầu quăng này có thể múc cát ở dưới lòng sông có độ sâu 10 - 15m. Và chỉ chưa đầy 40 giây, chiếc gầu sẽ múc được 2m3 cát từ dưới sông. Do vậy, chỉ khoảng 3 tiếng, con tàu chở cát có trọng lượng 300 m3 sẽ đầy ắp cát và sau 8 tiếng hoạt động thì mỗi ngày sẽ khai thác được khoảng 800 m3. Nếu 6 tàu dây văng cùng hoạt động 8 tiếng/ngày thì mỗi ngày công suất khai thác sẽ là 4.800m3.
Tại khu vực Sông Lô nói trên, với trữ lượng cho phép là 28.000 m3/năm và với số lượng tàu của công ty Gia Thịnh lên tới gần chục chiếc như vậy thì chỉ mất ít ngày là họ đã khai thác đủ sản lượng tối đa theo giấy phép được cấp. Mặt khác, với sản lượng khai thác là 28.000 m3/năm/250 ngày được phép khai thác hàng năm, tương đương với khoảng 112 m3 mỗi ngày. Như vậy, công ty Gia Thịnh chỉ cần một chiếc dây văng hoạt động nửa công suất là đủ, chứ không cần đến nhiều tàu dây văng, tàu cẩu liên tục như hiện nay. Thực tế này cũng cho thấy, công ty Gia Thịnh thời gian qua đã khai thác vượt sản lượng cho phép mà không phải đóng bất cứ một loại thuế, phí nào và không thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giám sát hoạt động.
Nạn hút cát đã khiến nhiều khu vực bờ sông trên Lô sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi tài sản, hoa màu và cả… “tấc đất tấc vàng” của người dân. Trải lòng về cuộc sống hiện tại, đa số người dân sống chung với thực trạng này đều thốt lên uất nghẹn. Họ đau đớn đến thắt ruột mà chẳng biết làm sao? Từng ngày thấy đất đai, tài sản… bị “thủy thần” hủy diệt mà nước mắt cứ lưng tròng.
Ngọc Linh