“Ôm” hàng loạt đất vàng không chịu trả
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại vị trí 187 Tô Hiệu (TP. Hải Phòng) là trụ sở Điện Lực quận Lê Chân. Theo quy định, sau khi chuyển về trụ sở mới, trụ sở này không sử dụng đến và sẽ trả lại Công ty Kinh doanh nhà. Nhưng thực tế PC Hải Phòng vẫn đang sử dụng địa điểm này…
Tại huyện Thủy Nguyên, hiện tại, Điện lực Thủy Nguyên đã được UBND huyện cấp đất ở một vị trí mới để xây dựng trụ sở và việc xây dựng này đã hoàn thành. Điện lực Thủy Nguyên đã chuyển về làm việc ở địa điểm mới. Thế nhưng hiện nay, PC Hải Phòng vẫn chưa chuyển giao lại mảnh đất gần 3.000m2 (trụ sở cũ) cho UBND huyện Thủy Nguyên, cho dù huyện này đã từng có văn bản đề nghị gửi lãnh đạo PC Hải Phòng cũng như EVNNPC.
Văn bản của UBND huyện Thủy Nguyên gửi UBND TP. Hải Phòng, PC Hải Phòng và EVNNPC về việc chuyển giao trụ sở Điện lực Thủy Nguyên phục vụ chuyển đổi trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc huyện
Liên quan đến việc này, mới đây UBND huyện Thủy Nguyên đã có văn bản gửi UBND TP. Hải Phòng, PC Hải Phòng và EVNNPC về việc chuyển giao trụ sở điện lực Thủy Nguyên phục vụ chuyển đổi trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc huyện.
Theo UBND huyện Thủy Nguyên, hiện nay Điện lực huyện Thủy Nguyên đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới, trong khi trụ sở cũ đang để hoang, không bố trí làm việc. Do đó, huyện Thủy Nguyên đề nghị UBND TP. Hải Phòng, EVNNPC, PC Hải Phòng chuyển giao lại khu nhà làm việc cũ có hiện diện tích sử dụng đất 2.921m2 cho huyện Thủy Nguyên để bố trí trụ sở cho các đơn vị khác trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện, việc đề xuất chuyển giao các trụ sở cũ của các đơn vị trên địa bàn cho huyện, trong đó có các công trình, địa điểm của PC Hải Phòng cũng đã được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành ủng hộ khi về làm việc với Ban Thường vụ huyển ủy Thủy Nguyên, và được thể hiện tại Kết luận 215, ngày 23/7/2017 của Thảnh ủy Hải Phòng.
Sự việc tương tự cũng diễn ra tại các điện lực An Lão, Tiên Lãng, Kiến An…
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, PC Hải Phòng còn thực hiện sửa chữa trụ sở (thuộc hạng mục sửa chữa lớn) không thông qua đấu thầu. Cụ thể, tại tòa nhà A3 (9 Trần Hưng Đạo) và khu liên cơ An Lạc (trụ sở Ban quản lý dự án), PC Hài Phòng đã sửa chữa, cải tạo không đúng quy trình sửa chữa lớn, không có dự toán thiết kế, hợp đồng. Số tiền tu sửa của hai tòa nhà này khoảng xấp xỉ 7 tỉ đồng. Đặc biệt, cả hai tòa nhà này vừa được sửa chữa, cải tảo cách đây ba năm. Theo quy định, chi phí sửa chữa lớn này được tính vào chi phí giá thành điện, gây lãng phí.
Xin cơ chế vốn sai thẩm quyền?
Dù thu về hàng chục tỷ đồng từ việc cho các đơn vị ngoài thuê lại nhiều địa điểm có vị trí đắc địa giữa trung tâm TP. Hải Phòng, đồng thời “ôm” hàng loạt địa điểm có vị trí đắc địa và chưa hoàn trả lại cho địa phương, nhưng vừa qua PC Hải Phòng vẫn có văn bản gửi UBND TP. Hải Phòng về việc xin hỗ trợ vốn.
Theo đó, PC Hải Phòng cho biết đang gặp khó khăn tài chính và đề xuất TP. Hải Phòng chủ động công tác đầu tư; bố trí nguồn vốn hàng năm từ 300-400 tỷ đồng hoặc có cơ chế hỗ trợ vay vốn và lãi suất. Đáng chú ý, đơn vị này còn đề xuất kêu gọi xã hội hóa các công trình điện. Những đề xuất này của Điện Lực Hải Phòng liệu có hợp lý?
Cụ thể, tại văn bản của PC Hải Phòng, do Giám đốc Vũ Đức Hoan ký có nêu, PC Hải Phòng đã liên tục đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống lưới điện Hải Phòng và cấp điện cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện PC Hải Phòng đang gặp khó khăn về vốn, hệ số tài chính (vốn vay/vốn chủ sở hữu) của PCHP đã xấp xỉ bằng 3 lần. Trong khi đó, theo quy định nếu hệ số này vượt quá 3 lần thì doanh nghiệp không được vay để đầu tư. Mặt khác tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sẽ không cho doanh nghiệp vay vốn.
Công văn của Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an Hải Phòng (PC03) gửi PC Hải Phòng đề nghị cung cấp tài liệu mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh trong năm 2015; 2016 của PC Hải Phòng
Do vậy, PC Hải Phòng đề xuất TP. Hải Phòng chủ động công tác đầu tư hoặc giao vốn các công trình điện cho PC Hải Phòng quản lý đầu tư. Sau đó bàn giao lại cho ngành điện quản lý vận hành và khai thác. Tiếp đến, PC Hải Phòng đề xuất TP. Hải Phòng bố trí nguồn vốn hàng năm từ 300-400 tỷ đồng hoặc có cơ chế hỗ trợ vay vốn và lãi suất, ân hạn vay vốn cho PCHP để đầu tư những dự án trọng điểm. Đáng chú ý là PC Hải Phòng đề xuất kêu gọi xã hội hóa các công trình điện, để các tổ chức khác cùng đầu tư, tham gia cùng ngành điện.
Tuy nhiên, theo quy định về đầu tư phát triển điện lực trong Luật Điện Lực hiện nay, chủ đầu tư dự án điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường; Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện…Như vậy, rõ ràng trách nhiệm đầu tư hạ tầng lưới điện phải do ngành điện chủ động, địa phương có dự án chỉ hỗ trợ về mặt bằng, cơ chế…
Trước đó, cuối năm 2018, Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an Hải Phòng (PC03) đã có văn bản gửi PC Hải Phòng đề nghị cung cấp tài liệu mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh trong năm 2015; 2016 của PC Hải Phòng.
Theo đó, cơ quan Công an kinh tế Hải Phòng yêu cầu đơn vị này cung cấp tài liệu liên quan đến ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán công tơ điện, máy biến áp trong năm 2015, 2016, gồm: Hồ sơ đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, sổ sách kế toán, thủ tục giao nhận, nghiệm thu vật tư, nhập kho; Việc điều động, xuất kho, giao nhân, sử dụng số lượng công tơ điện tử, máy biến áp với điện lực các quận, huyện, dự án,…
Văn bản của Tập đoàn điện lực Việt Nam gửi Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia về việc hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn TP. Hải Phòng
Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin trước đó, dù năm 2018 Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi văn bản gửi tới Tổng công ty Điện lực Miền Bắc về việc hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn TP. Hải Phòng. Văn bản này có thông tin nêu rõ:
Rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tập đoàn trên địa bàn TP. Hải Phòng theo đúng quy định. Chỉ đạo các đơn vị thành viên chấm dứt việc cho thuê nhà/đất sai quy định của pháp luật trên địa bàn các tỉnh/thành phố nói chung và trên địa bàn TP. Hải Phòng nói riêng.
Cũng tại văn bản này, EVN nêu rõ, yêu cầu PC Hải Phòng phải chấm dứt việc cho thuê nhà/đất sai quy định.
Tuy nhiên, PC Hải Phòng đã cho các đơn vị ngoài thuê lại hàng loạt địa điểm có vị trí đắc địa giữa trung tâm TP. Hải Phòng (trong nhiều năm), và thu về số tiền hàng chục tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn các địa điểm này chỉ được cấp phép sử dụng xây trụ sở làm việc của PC Hải Phòng và các đơn vị trực thuộc.
PC Hải Phòng cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng (VIB) thuê lại khu vực tầng 1, 2, 3 tại địa chỉ số 9 Trần Hưng Đạo trong thời hạn 5 năm từ năm 2015 - 2020, số tiền đã thu về là 2,6 tỷ đồng và 6,08 tỷ đồng (chưa thu)
Cụ thể, tại trụ sở chính của PC Hải Phòng (số 9 Trần Hưng Đạo) hiện đang được cơ quan này cho một số đơn vị thuê lại làm văn phòng hoạt động, treo biển công khai, chiếm toàn bộ diện tích mặt tiền.
Theo những tài liệu mà phóng viên có được, thì trước đó, một trong những đơn vị được PC Hải Phòng cho thuê địa điểm tại số 9 Trần Hưng Đạo (TP. Hải Phòng) để làm trụ sở là Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình. Theo hợp đồng số 3464, thì PC Hải Phòng cho ngân hàng này thuê 3 năm từ 2014 – 2017, với diện tích 190m2, và tổng số tiền là hơn 4,7 tỷ đồng.
Bản hợp đồng thuê văn phòng của PC Hải Phòng và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng (VIB)
Tại bản hợp đồng số 2844, PC Hải Phòng cũng cho Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình thuê lại tầng 1 với diện tích 177m2, tầng 2 là 138m2, tầng 3 là 170m2, thời hạn cho thuê là từ năm 2014 – 2017, giá trị 2,4 tỷ đồng.
Cũng tại địa điểm nhà đất số 9 Trần Hưng Đạo, PC Hải Phòng còn cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng (VIB) thuê lại khu vực tầng 1, 2, 3 (hợp đồng số 594) trong thời hạn 5 năm từ năm 2015 - 2020, số tiền đã thu là 2,6 tỷ đồng và 6,08 tỷ đồng (chưa thu).
Tại địa điểm số 9 Trần Hưng Đạo, PC Hải Phòng cũng cho Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình thuê lại tầng 1, 2, 3, thời hạn 3 năm từ năm 2014 – 2017, với giá trị 2,4 tỷ đồng
Tương tự, tại trụ sở làm việc khu nhà số 7B Trần Hưng Đạo (Khách sạn Điện lực) thì đơn vị này cũng cho nhiều công ty thuê lại làm trụ sở như: Công ty Cổ phần địa ốc MB thuê lại tầng 1, 2, 3 và ½ tầng 4, thời hạn 5 năm từ 2013 – 2018, với giá trị 8,6 tỷ đồng (đã thu); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife thuê lại tầng 5 trong vòng 3 năm từ năm 2014 – 2017, với giá trị 1,8 tỷ đồng (đã thu); cho Chi nhánh Công ty liên danh PIL Việt Nam thuê lại ½ tầng 8 với thời hạn 3 năm từ năm 2014 – 2017, với giá trị 644 triệu đồng.
Tại trụ sở làm việc khu nhà số 7B Trần Hưng Đạo (Khách sạn Điện lực) PC Hải Phòng cũng cho Công ty Cổ phần địa ốc MB thuê lại tầng 1, 2, 3 và ½ tầng 4, thời hạn 5 năm từ 2013 – 2018, với giá trị 8,6 tỷ đồng (đã thu)
Ngoài những địa điểm cho thuê nêu trên, thì hàng loạt địa điểm trên dịa bàn Hải Phòng, do PC Hải Phòng quản lý, như: Số 5 Lạch Tray (Ngô Quyền), nhà làm việc cũ của Điện lực An Lão, số 249 Tôn Đức Thắng – An Dương (Lê Chân), khu nhà Điện lực Kiến An cũ, số 32 Võ Thị Sáu – phường Máy Tơ (Ngô Quyền), 205 Bạch Đằng, khu liên cơ An Lạc, nhà làm việc cũ của Điện lực Tiên Lãng, số 56 Mê Linh… đều được đơn vị này cho thuê lại và thu về số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Không biết cho thuê các trụ sở là đúng hay sai, vì các Ban, Ngành không có chỉ đạo rõ ràng?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên (ngày 2/7/2019), ông Nguyễn Hữu Hưởng – Phó giám đốc PC Hải Phòng cho biết: “Sau khi văn phòng của công ty được xây dựng lên với mục đích là phục vụ cán bộ công nhân viên chứ không phải cho thuê. Tuy nhiên, năm 2011 -2012 đội ngũ làm viễn thông ngày xưa sau khi chuyển giao cho bên Viettel thì bên Viettel không lấy, nên bị dôi dư.
Lúc ấy, lãnh đạo phải cân nhắc và tìm cách làm sao không đẩy người lao động ra ngoài làm mất uy tín. Sau đó lãnh đạo có bàn họp và thống nhất cho thuê để giải quyết tiền lương cho cán bộ nhân viên. Và mục đích chính của việc cho thuê là như vậy…
Ngoài trụ sở của công ty ra, thì chúng tôi có khách sạn đồ sơn, khách sạn điện lực với số cán bộ nhân viên là 54 người bình quân mỗi cán bộ nhân viên lương tháng khoảng 7-8 triệu, đây là con số áng chừng chứ chưa thống kế cụ thể…”.
Cũng theo ông Hưởng lý giải, việc PC Hải Phòng cho thuê đúng hay là sai, thì hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào trả lời. Bởi, có những văn bản nói là tài sản của công ty gắn liền trên đất thì công ty được cho thuê. Thế nhưng, của nhà nước thì công ty đã gửi văn bản đến các ban ngành, nhưng không được các cơ quan này tiếp nhận, cũng như có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
“Nếu không nhận, thì cũng phải nói rõ lý do tại sao không nhận, để công ty về có cơ sở. Còn việc họ có văn bản nói công ty làm không đúng, thì nó lại rõ ràng. Nếu đơn vị chức năng trả lời là chỗ này không được làm thì công ty sẽ chấm dứt ngay. Nhưng, họ không trả lời, mà chỉ nói bằng miệng là công ty vận dụng, thì buộc lãnh đạo công ty trong thời điểm phải làm”. Ông Hưởng cho hay.
Cũng tại buổi làm việc này, phóng viên đã đề nghị ông Hưởng cung cấp các văn bản liên quan như: Văn bản gửi UBND TP. Hải Phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty điện lực Miền Bắc về việc xin phép được cho thuê phần mặt bằng nói trên; kết quả kiểm toán; hạch toán tài chính về số tiền thu được từ việc cho thuê mặt bằng; bản sao kê thuế của công ty trong 2 năm trở lại đây…, thì ông Hưởng từ chối cung cấp, với lý do: Chưa chuẩn bị sẵn, sẽ cung cấp sau.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Nhóm PV