Cần sớm có những biện pháp hỗ trợ các Công ty may mặc xuất khẩu vượt qua khó khăn trong thời gian tới
Cần sớm có những biện pháp hỗ trợ các Công ty may mặc xuất khẩu vượt qua khó khăn trong thời gian tới.

Những năm trước đây, thời điểm cận Tết Nguyên đán các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá liên tục tăng ca, tuyển dụng thêm lao động mới đáp ứng kịp các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Tuy nhiên năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng đủ sản xuất từ 50- 60% công suất trong tháng 11, tháng 12. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị ép giá xuống tới 20- 30%.

Cụ thể, tại Công ty may xuất khẩu Sơn Hà, thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, thời điểm này, nhà máy gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.

Trao đổi với ông Vũ Văn Thành-Giám đốc Công ty may xuất khẩu Sơn Hà, được ông cho biết: “Do không có đơn hàng, lương bình quân của công nhân đã giảm xuống còn 6 triệu đồng/người/tháng. Tháng 1, tháng 02/2023 này, phía khách hàng thông báo sẽ cắt giảm 50% đơn hàng, nên công ty chúng tôi buộc phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải cho công nhân nghỉ việc. Để vượt qua thời điểm khó khăn này công ty đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tìm các đối tác mới tại thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao”.

Cùng với đó, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Ninh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy là công ty chuyên may mặc xuất khẩu cũng đã phải tạm thời đóng cửa do không nhận được đơn hàng, buộc phải đóng cửa và chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 300 lao động kể từ tháng 07/2022. Hiện chỉ còn một vài người thợ kỹ thuật đang bảo dưỡng máy móc, chờ cơ hội phục hồi.

Ngoài ra, tại Công ty TNHH Hoa Thắm, có địa chỉ tại xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, là Công ty chuyên về may mặc xuất khẩu. Thời gian qua, phía Công ty đã cho toàn bộ gần 400 công nhân nghỉ làm, công ty phải đóng cửa và có nguy cơ phá sản.

Đại diện Công ty TNHH TM Hoa Thắm cho biết: Khoảng thời gian đầu tháng 12/2021 vừa qua, sau khi tìm hiểu tình hình lao động tại các xã Phú Lâm, Phú Sơn, Tùng Lâm và xã Tân Trường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Sau đó Công ty chúng tôi làm việc với UBND xã Phú Lâm và có nguyện vọng muốn đầu tư xây dựng nhà xưởng với số lượng công nhân dự kiến khoảng 300 đến 500 công nhân, chủ yếu là lao động tại địa phương và các xã lân cận.

Ngay sau khi được sự chấp thuận và ủng hộ từ phía lãnh đạo UBND xã Phú Lâm, Công ty đã thuê được 5.000m2 đất của một hộ gia đình có địa chỉ tại thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đến đầu tháng 03/2022, Công ty TNHH Hoa Thắm tiến hành xây dựng một nhà xưởng thép tiền chế có diện tích khoảng 1.000m2, nhà vệ sinh khoảng 20m2, nhà bảo vệ khoảng 9m2 và một nhà mái tôn tạm bợ cho công nhân để xe, toàn bộ các công trình nói trên đều nằm trong khu đất đã được Công ty thuê và có xác nhận của chính quyền địa phương.

Sau khi phía Công ty cho xây dựng xong một số hạng mục và đi vào hoạt động, bất ngờ đến ngày 25/04/2022 vừa qua, UBND xã Phú Lâm đã tiến hành lập biên bản trình UBND thị xã Nghi Sơn, đến ngày 19/05/2022 UBND thị xã Nghi Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngày 22/07/2022 thị xã Nghi Sơn tiếp tục ra quyết định xử phạt hành chính lần thứ hai. Về phía Công ty đã chấp hành và nộp phạt đầy đủ đúng thời gian quy định.

Để làm rõ vấn đề trên, phía Công ty đã nhiều lần làm tờ trình, đơn xin gia hạn và đơn cầu cứu gửi UBND thị xã Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng chỉ nhận được văn bản trả lời của UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giao cho UBND thị xã Nghi Sơn kiểm tra và báo cáo lại. Đồng thời phía Công ty cũng nhận được văn bản của UBND thị xã Nghi Sơn do ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn ký trả lời không có cơ sở.

Gần 400 người lao động Công ty TNHH Hoa Thắm mất việc làm, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Gần 400 người lao động Công ty TNHH Hoa Thắm mất việc làm, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản..

Đáng nói, ngày 22/08/2022 UBND xã Phú Lâm ra thông báo cưỡng chế tháo dỡ công trình số, ngày 23/08/2022 UBND thị xã Nghi Sơn tiếp tục ra quyết định số về việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự cưỡng chế và buộc dừng hoạt động đối với xưởng may mặc Hoa Thắm.

Công ty TNHH Hoa Thắm đã và đang đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng hiện nay phải rơi vào tình cảnh phá sản. Đáng nói, việc Công ty đóng cửa kéo theo gần 400 cán bộ, người lao động tại địa phương thất nghiệp, mất việc làm như hiện nay. Hiện tại, phía Công ty không có tiền để trả lương cho công nhân, đã làm ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội của công nhân tại địa phương, Công ty phá sản và đi vào đường cùng, nhiều đơn hàng đang phải hủy hợp đồng...

Cũng theo đại diện Công ty TNHH Hoa Thắm, phía Công ty chúng tôi đã thuê đất theo đúng theo quy định của pháp luật giữa bên thuê và bên cho thuê, việc xây dựng xưởng may tại địa phương là được sự đồng thuận của chính quyền. Các công trình nhà xưởng được xây dựn công khai, Chủ tịch xã, cán bộ địa chính, và nhiều cán bộ xã Phú Lâm đã xuống chứng kiến, thậm chí còn không chỉ mốc giới... Tại sao, sau khi công trình được xây dựng và đi vào hoạt động lại bất ngờ bị xử phạt hành chính, đồng thời buộc tháo dở công trình và cho dừng hoạt động. Dư luận cho rằng, chính quyền xã Phú Lâm đang có những quyết định xử lý chưa rõ về mặt pháp lý, thậm chí đang “lừa dối”, “gài bẫy” để đưa Công ty TNHH Hoa Thắm vào tình cảnh phá sản như hiện nay, người lao động thì mất việc làm những ngày cận tết.

Ngày 03/01/2023, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi ban cán sự đảng UBND tỉnh, các ban cán sự đảng, đảng đoàn và các sở, ngành, huyện, thị xã, TP trong tỉnh tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trên địa tỉnh.

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Hiện, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba thế giới. Việc ký kết các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... đã, đang và sẽ thúc đẩy dòng chảy hội nhập, mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng như các ngành công nghiệp khác đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga – Ukraine vẫn còn căng thẳng... Do đó, để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như gia tăng sức cạnh tranh đang là một trong các bài toán mà các doanh nghiệp ngành dệt may phải đối mặt. 

Để ngành dệt may tăng trưởng như kỳ vọng, rất cần sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động của các cấp, các ngành trong thời gian sớm nhất.

Lê Nam