Chiều 28/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm tại phiên thảo luận của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát - Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, những tồn tại, yếu kém được nêu trong kết quả giám sát chuyên đề Quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội của Quốc hội; quá trình tổng kết thực hiện pháp luật về đất đai, nhà ở, bất động sản; trong các văn kiện, chỉ đạo hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện trong các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Những chính sách, giải pháp quan trọng về đất đai, nhà ở đã được thể chế hóa, qua đó thể hiện tính toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, nêu ra những vấn đề sát thực tiễn, khả thi, cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đại biểu Quốc hội, chuyên gia.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sau khi Quốc hội đồng ý cho phép thi hành sớm. Tuy nhiên, còn có những bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện chưa sát, chưa nghiêm, chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy định thuộc thẩm quyền.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng nêu thực tế hiện nay thị trường bất động sản đang có sự mất cân đối cung cầu về sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp… Các địa phương phải khẩn trương triển khai chiến lược, quy hoạch chương trình nhà ở, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu nhà ở đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở dành cho người có thu nhập cao, nhà ở xã hội.

Nhấn mạnh quyền có nơi ở hợp pháp đã được hiến định, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với việc triển khai đề án "Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", các địa phương tiếp tục điều tra, đánh giá thực chất nhu cầu nhà ở xã hội, tiêu chí mở rộng đối tượng hướng tới không chỉ công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… mà mọi người dân đều có thể tiếp cận; huy động các nhà đầu tư có uy tín, cùng với chính sách hỗ trợ về hồ sơ thủ tục đầu tư, đất đai, tín dụng, quản lý lợi nhuận tối đa,… nhằm phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người mua; rà soát và chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội ở.

TS. Nguyễn Thị Giáng Hương, Trường Đại học Lao động - Xã hội
Tiến sỹ. Nguyễn Thị Giáng Hương, Trường Đại học Lao động - Xã hội. Ảnh quochoi.vn.

"Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát", Phó Thủ tướng nói.

Liên quan đến hiện tượng thổi giá thông qua việc đấu giá đất nền tại một số địa phương thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải khắc phục bằng giải pháp thị trường như công khai thông tin cung cầu, thí điểm giao dịch qua sàn, các thửa đất đấu giá phải được quy hoạch chi tiết về xây dựng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thực hiện giám sát, đánh giá tình hình thị trường bất động sản để đưa ra các giải pháp điều tiết phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản sẽ tăng sau khi cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 5 tỉnh, thành phố, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, trước khi mở rộng những dự án tương tự trên cả nước, trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Đưa ra giải pháp quản lý Nhà nước về nhà ở xã hội (NOXH) dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Thị Giáng Hương, Trường Đại học Lao động - Xã hội cho rằng, việc hoàn thiện quy định về xây dựng và kiểm soát giá bán NOXH nhằm đảm bảo công bằng cho đối tượng thụ hưởng là một trong những nội dung quan trọng. Thực tế, các hoạt động kinh doanh hướng đến mục tiêu lợi nhuận, một số chủ đầu tư có thể có gian lận trong việc hạch toán chi phí nhằm thu lợi nhuận cao.

Do vậy, các cơ quan quản lý cần các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, hạn chế gian lận, sai sót để đưa về đúng mức giá thực.

Lấy ví dụ về thực tiễn tại thành phố Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Thị Giáng Hương nêu rõ, thành phố cần mở rộng quy hoạch, phát triển NOXH về các vùng ven thành phố thay vì tập trung ở nội đô. Đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đồng ý đầu tư các dự án ở vùng ven như: Tạo một quỹ đất sạch mà doanh nghiệp có thể tiến hành xây dựng luôn, không phải trả tiền thuê đất trong 5 năm đầu; đối với các dự án đang được triển khai thì cần cùng với doanh nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện.

Điều này sẽ giảm áp lực về NOXH ở khu vực nội đô, giá hạ nhiệt, các chủ dự án NOXH ven đô nhanh chóng giải quyết được đầu ra, đồng thời người mua dễ dàng mua được nhà với giá cả hợp lý.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
 Thị trường bất động sản đang có sự mất cân đối cung cầu về sản phẩm nhà ở . Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Cũng theo Tiễn sỹ Nguyễn Thị Giáng Hương, cần hoàn thiện quy định về thị trường tài chính hỗ trợ người mua NOXH. Trước hết, cần bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho các Quỹ phát triển nhà ở. Quỹ tiết kiệm nhà ở của địa phương có thể tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho nhiều đối tượng có khó khăn về nhà ở tại địa phương. Đồng thời, cần có nhiều hơn nữa các chính sách tài chính từ phía Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho những người có thu nhập thấp có thể vay tiền hay trả góp để mua NOXH.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội nêu rõ, Việt Nam đang thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được các mục tiêu đó, phát triển con người, bảo đảm các quyền con người vừa là động lực thúc đẩy, vừa là mục tiêu hướng đến. Do đó chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là NOXH cho công nhân, người thu nhập thấp, người hưởng lương từ ngân sách được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để giải quyết vấn đề nhà ở một cách hiệu quả cần có sự tham gia quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, của xã hội; cần xây dựng những giải pháp đồng bộ từ các chính sách về đất đai, quy hoạch - kiến trúc, chính sách tài chính, chính sách thuế, phát triển thị trường bất động sản đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đất đai - nhà ở, hoàn thiện bộ máy quản lý...

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề nhà ở bằng cách tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về vấn đề đất đai, nhà ở tới người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư... Tuyên truyền vận động thay đổi quan điểm, tập quán về việc phải sở hữu nhà đất riêng thay vào đó là các hình thức thuê nhà, nhà ở chung cư, NOXH. Cải cách các thủ tục hành chính bảo đảm quyền lợi cho người dân với bất cứ hình thức cư trú, sở hữu nhà ở nào cũng được công bằng, thuận tiện.

Đối với vấn đề phát triển NOXH cho người thu nhập thấp, cho công nhân tại các khu công nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Trung Thành cho rằng, cần có những cơ chế đặc thù hơn nữa trong việc bố trí, sử dụng đất; trong tiếp cận vốn tín dụng; trong chính sách ưu đãi thuế; trong thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt giá bán cũng như các thủ tục mua bán, thuê, sang nhượng NOXH... để thu hút các nhà đầu tư triển khai phát triển các dự án NOXH; người dân tiếp cận được với NOXH. Thống nhất đầu mối xét duyệt cũng như quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng NOXH tại các địa phương. 

PV (lược ghi)