Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cũng như Khu Kinh tế  trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, chưa có doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động, tất cả đang nỗ lực để duy trì sản xuất bình thường. 

Theo đó, tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, đóng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện vẫn hoạt động hết công suất. Thống kê từ bộ phận sản xuất nhà máy, mỗi ngày, 2 dây chuyền ở đây đều sản xuất và hòa lưới điện quốc gia 14 triệu KWh điện, đây là công suất tối đa của các tổ máy.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ 400 chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, người lao động của công ty phải “cách ly”. Sau mỗi ca sản xuất, tất cả phải lên các xe ô tô để về các khu cư xá tập trung đóng tại xã Trúc Lâm của huyện Tĩnh Gia. Quá trình sinh hoạt tại đây, mọi người được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với nhau và tuyệt đối không ra khỏi phạm vi tường rào, không tiếp xúc với các hoạt động và người dân bên ngoài. Ngay cả việc ăn uống, phía lãnh đạo nhà máy cũng đã ký hợp đồng với một công ty để đưa các suất ăn đến cư xá. Ngay cả người lao động có gia đình tại huyện Tĩnh Gia, thậm chí có nhà gần nhà máy cũng không được về nhà, phải tuân thủ tuyệt đối cách ly theo chỉ đạo chung.

Các cuộc họp trong nhà máy được thực hiện online. Các bộ phận sản xuất trong nhà máy đều được cách ly riêng biệt, chỉ trao đổi công việc qua e-mail và các thiết bị liên lạc để tránh tiếp xúc gần. Ngoài đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi qua cổng, nhà máy cũng mới lắp đặt cả buồng xịt khuẩn nhằm bảo đảm an toàn cho các chuyên gia, công nhân, người lao động của mình.

Còn tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, được biết, tại doanh nghiệp này hiện nay có tới 1.600 chuyên gia, người lao động đang làm việc. Mặc dù có nhiều khó khăn phát sinh nhưng doanh nghiệp này vẫn duy trì hoạt động bình thường. Việc đo thân nhiệt, rửa tay bằng các dung dịch khử trùng trước khi vào ca sản xuất đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với những chuyên gia và người lao động tại đây. Điều này đặc biệt cần thiết khi đây là doanh nghiệp có nhiều người nước ngoài làm việc, đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau. 

Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 411 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng số lao động tại đây đã lên đến hơn 96.790 người, trong đó hơn 700 lao động nước ngoài. Riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 226 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI; trong đó có hơn 100 dự án đã đi vào hoạt động toàn bộ hoặc một phần, giải quyết việc làm cho 32.516 lao động.

Người lao động Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn.Người lao động Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn.

Trong đó, hiện nay có 15 doanh nghiệp tại đây có sử dụng hơn 400 lao động và chuyên gia người nước ngoài, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Sự phát triển của nhiều dự án trọng điểm quốc gia tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã kéo theo dân số cơ học tăng, tình hình xã hội có nhiều thay đổi, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Gần đây, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản gửi các công ty, doanh nghiệp để đôn đốc và hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trung ương, lãnh đạo tỉnh và ngành y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Qua đánh giá, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định cũng như khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giầy da, may mặc đã phải cơ cấu lại sản xuất bằng cách tiết giảm lao động do tình trạng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm bị hạn chế.

Cơ quan quản lý cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu và phối hợp để các doanh nghiệp thường xuyên tiến hành dọn vệ sinh nhà xưởng, phun hóa chất khử khuẩn các dây chuyền sản xuất. Vấn đề bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động trong các công ty, nhà máy được đề cao.

Công đoàn Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cũng liên hệ với những đơn vị cung ứng khẩu trang uy tín trong nước để giới thiệu cho các công ty, doanh nghiệp mua phát cho công nhân, người lao động. Hiện nay, việc đeo khẩu trang trong ca sản xuất tại các xí nghiệp, nhà máy đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với công nhân, người lao động. Riêng tại Cảng Nghi Sơn, khi có các tàu hàng quốc tế cập bến, các thủy thủ phải cách ly tại tàu không được lên bờ để bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

                                                                                                                                                                                                Hoài Thu