Theo đó, hiện công suất phụ tải cực đại của Thanh Hóa đạt khoảng 1.350 MW và dự báo đạt 2.150 MW vào năm 2025, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất của miền Bắc.
Ghi nhận thực tế, nhu cầu công suất giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân 16,3%; giai đoạn 2021-2022 là 10,7%. Sản lượng điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 13,75%, giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng bình quân 8,6%.
Hiện nay, tại nhiều khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai đầu tư đã đăng ký nhu cầu sử dụng công suất giai đoạn 2023-2025 với tổng công suất đăng ký lên tới 949 MW. Các khu vực có phụ tải lớn, tập trung và tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới như: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn - Quảng Xương; thị xã Nghi Sơn - Nông Cống - Như Thanh - Như Xuân; thị xã Bỉm Sơn - Hoằng Hóa - Hậu Lộc - Nga Sơn...
Trước những dự báo khó khăn về nguồn cấp điện ở giai đoạn 2023-2025 đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, ngành điện đang triển khai nhiều dự án điện từ truyền tải, dự án 110 kV đến lưới điện trung, hạ áp. Với lưới điện truyền tải hiện đang đầu tư gồm trạm biến áp (TBA) 220 kV Khu Kinh tế Nghi Sơn; TBA 500 kV Thanh Hóa; TBA 220 kV Sầm Sơn; TBA 220 kV Hậu Lộc.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng đã và đang triển khai đầu tư 35 dự án lưới điện 110 kV trong giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư hơn 3.465 tỷ đồng. Lưới điện trung và hạ áp cũng đang được đề xuất từng bước đầu tư nâng cấp lưới điện trung thế 6 kV, 10 kV lên vận hành ở cấp 22 kV, xóa bỏ dần các TBA trung gian và tiếp tục đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn.
Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị thi công, việc triển khai thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Đó là sự bất cập và không đồng bộ giữa các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch VIII) và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa). Điển hình như một số dự án TBA 220 kV Thiệu Yên, Thiệu Hóa, Bá Thước... có trong quy hoạch điện VIII nhưng không có trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và ngược lại, một số dự án như TBA 220 kV Gang Thép Nghi Sơn, TBA 220 kV đường dây Mường Lát... có tại quy hoạch tỉnh Thanh Hóa nhưng không có trong quy hoạch điện VIII.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thanh Hóa dự kiến đưa vào vận hành 11 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 786,8 MW; 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.250 MW; 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất 284,5 MW; 5 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 146 MW; 3 nhà máy điện rác với tổng công suất 50 MW.
Việc đưa nhiều nhà máy điện quy mô lớn vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng phụ tải khu vực. Tuy nhiên, nếu những vướng mắc về quy hoạch dẫn tới chậm trễ triển khai các dự án lưới điện truyền tải, phân phối thì sẽ không khả thi trong giải tỏa công suất điện, đặc biệt là việc các TBA 220 kV chưa có trong quy hoạch điện VIII...
Để kịp thời triển khai các dự án lưới điện, đáp ứng nhu cầu truyền tải và giải tỏa công suất các dự án khi đi vào hoạt động, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang cùng ngành điện nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương hiệu chỉnh, đồng nhất Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa (phần điện) theo quy hoạch điện VIII. Nếu các đề xuất này sớm được quan tâm, bổ sung thì ngành điện và tỉnh Thanh Hóa mới có cơ sở pháp lý triển khai các dự án, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao trong những năm tới.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa (về phát triển điện lực) giai đoạn 2021-2030, trong đó thực hiện bổ sung các căn cứ pháp lý, danh mục, sơ đồ lưới điện,... còn thiếu để các đơn vị trong ngành điện và các chủ đầu tư có căn cứ triển khai thực hiện.
Cùng với đó, kế hoạch thực hiện quy hoạch sẽ tính toán, đề cập và đồng bộ với kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư kịp thời triển khai các dự án sau khi có đủ cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Lê Nam