Theo đó, số lượng khẩu trang được xuất khẩu là 143,33 triệu chiếc, tăng nhẹ 0,3% so với lượng khẩu trang xuất khẩu trong tháng 9 với 142,88 triệu chiếc. Số doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 đã “rớt” 10 doanh nghiệp so với tháng 9, khi có 70 doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang các loại.
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 10 năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,13 tỉ chiếc khẩu trang y tế các loại. Trong đó, nhóm hàng này xuất khẩu mạnh nhất vào tháng 6 với 236,12 triệu chiếc và tháng 8 sụt giảm mạnh nhất với 135,44 triệu chiếc.
Ảnh minh hoạ
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang này là hướng dịch chuyển kịp thời của nhiều doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu lớn bị sụt giảm đơn hàng đã “bẻ lái” thành công nhờ may khẩu trang xuất khẩu. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ là giải pháp tình thế, không thể giúp ngành may mặc lấy lại phong độ trong xuất khẩu được.
Báo cáo tình hình sản xuất, thương mại 10 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn do tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang hàng có khả năng thích ứng nhanh.
Cụ thể, chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trong 10 tháng, xuất khẩu hàng dệt may và may mặc ước đạt 24,76 tỉ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Dự báo đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ có khả năng đạt 35 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2019. Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là mức giảm rất sâu.
Minh Đức