Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,10% so với tháng 12/2018. Lạm phát cơ bản tháng 1/2019 tăng 0,3% so với tháng 12/2018 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chỉ số CPI tháng 1/2019 tăng so với tháng 12/2018 là do sự tăng giá của 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ.
Cụ thể như: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66% (lương thực tăng 0,52%; thực phẩm tăng 0,85%, trong đó giá thịt lợn tăng 0,42%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,01%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,1%; trứng gia cầm tăng 0,23%; quả tươi tăng 1,77% và rau tươi tăng 2,51%);
Giá rau, thịt tăng mạnh đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,1%
Cùng với đó, hàng may mặc, mũ nón, giày dép cũng tăng 0,39% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%. Vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,12%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,9%.
Về văn hóa, giải trí và du lịch, giá cũng tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2019 giá gas điều chỉnh tăng 4.000đ/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 1.2019 tăng 15 USD/tấn chốt ở mức 425 USD/tấn làm cho chỉ số giá gas tăng 1,36% so tháng trước.
Chỉ số giá vàng tháng 1/2019 tăng 2,25% so với tháng 12/2018 và tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2019 giảm 0,4% so với tháng 12/2018 và tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 1, có 2 nhóm có CPI giảm là: Giao thông giảm 3,04%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2019 tăng 2,56%.
Ngọc Linh