Trước đó, do tình hình bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh chóng ra nhiều tỉnh trồng sắn trọng điểm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 4099/QĐ-BNN-TCCB ngày 22.10.2018 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn, gọi tắt là Ban chỉ đạo (BCĐ).

BCĐ Trung ương phòng chống bệnh khảm lá sắn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung làm Phó Trưởng ban

BCĐ gồm  21 ủy viên, gồm Phó Chủ tịch UBND của 13 tỉnh thành (Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên); 8 đại diện từ ban ngành liên quan và các nhà khoa đầu ngành.

Đây là phiên họp đầu tiên của BCĐ Trung ương nhưng cũng là cuộc họp lần thứ 3 mà Bộ NNPTNT tổ chức kể từ khi dịch khảm bùng phát mạnh ở nhiều các địa phương.

Tây Ninh: Tăng cường giải pháp khống chế khảm lá sắn - Hình 1

Sắn bị bệnh khảm lá

Đến nay, chỉ sau 1 năm xuất hiện, dịch bệnh khảm lá sắn đã lây lan ra 12 tỉnh thành như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh và Long An, với mức độ gây hại khác nhau. Nặng nhất tại tỉnh Tây Ninh (khoảng trên 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh).. Bệnh do vi rút gây ra nhưng lây lan qua bọ phấn trắng nên càng nguy hiểm.

Tây Ninh: Tăng cường giải pháp khống chế khảm lá sắn - Hình 2

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khảo sát vùng dịch bệnh khảm lá ở Tây Ninh. Ảnh: Thanh Nhi

Tính đến tháng 10.2018, đã ghi nhận bệnh khảm lá sắn xuất hiện gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh thành với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất là tại Tây Ninh với khoảng 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

Cục Bảo vệ thực vật nhận định, trong thời gian tới nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh ra khắp cả nước.

Tây Ninh: Tăng cường giải pháp khống chế khảm lá sắn - Hình 3

Bọ phấn trắng khiến dịch bệnh khảm lá lây lan nhanh.

Có thể nói, tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn đang rất nhanh. Những nguyên nhân chính của sự lây lan mạnh này là không kiểm soát được nguồn hom giống sắn; giá sắn cao trong khi mức hỗ trợ tiêu hủy lại quá thấp (do sắn hiện vẫn chỉ được coi là cây lương thực) nên nông dân không muốn tiêu hủy; nhiều vườn sắn chủ vườn là người từ nơi khác đến địa phương thuê đất trồng sắn nên không liên hệ được với chủ vườn để vận động, yêu cầu tiêu hủy hoặc chủ vườn không muốn tiêu hủy…

Ông Nguyễn Duy Ân, PGĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho hay, có một nghịch lý là dù tỉnh này đang bị nhiễm khảm lá sắn trên gần như toàn bộ diện tích (96,5% diện tích trồng sắn bị nhiễm), nhưng người trồng sắn lại đang có lợi nhuận tốt hơn so với trước khi bị bệnh. Sở dĩ co điều đó là vì sắn ở Tây Ninh vốn cho năng suất cao, sản lượng lớn. Từ khi bị dịch bệnh khảm lá sắn, năng suất, sản lượng sắn ở Tây Ninh giảm nhiều, khiến cho giá sắn tăng cao, hiện vào khoảng 3.300-3.500 đ/kg. Với giá sắn cao như vậy, trên những ruộng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, dù năng suất bị giảm nhiều, nhưng lượng sắn thu hoạch được vẫn cho người nông dân có khoản thu nhập tốt hơn nhiều so với số tiền được hỗ trợ nếu chấp nhận tiêu hủy.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, cây mì đóng góp 8% vào ngân sách của tỉnh. Phần đông nông dân trồng mì và coi đây như cây xóa đói giảm nghèo.

“Hiện nay, gần như bệnh khảm lá đã gây hại 100% diện tích mì toàn tỉnh. Trước tình hình mất kiểm soát dịch bệnh, BCĐ ra mắt và họp phiên đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất chỉ đạo phòng, chống khảm lá không chỉ ở Tây Ninh mà còn các tinh thành khác”, ông Chiến chia sẻ.

Hải Anh