Dữ liệu số là tư liệu sản xuất đầu vào của ngành công nghiệp công nghệ số, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số... Tuy nhiên, còn khoảng trống các quy định pháp luật về phát triển dữ liệu số phục vụ hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Một lĩnh vực đặc thù đang có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua là vi mạch bán dẫn. Vi mạch bán dẫn là một sản phẩm phần cứng điện tử, thuộc ngành công nghiệp công nghệ số, là hạt nhân của các công nghệ số của tương lai như: AI, 5G/6G, ứng dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại thông minh, ô tô. Các quốc gia lớn trên thế giới và khu vực đều có chính sách riêng cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, phù hợp với đặc thù và vị trí quốc gia đó trong chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu. Do đó, Việt Nam cũng cần có quy định riêng để thúc đầy lĩnh vực quan trọng này.
Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước
Dân số Việt Nam gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, là thị trường lớn để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định biện pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước cho doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ.
Để công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh đi đôi với phát triển bền vững, cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định xác định và chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.
Để thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ số; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các cơ chế chính sách vượt trội, đột phá; huy động mọi nguồn lực phát triển hiệu quả tiềm năng phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số tại Việt Nam; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia công nghiệp công nghệ số phát triển thì việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là rất cần thiết.
Mục đích ban hành Luật Công nghiệp công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bố cục của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 6 chương, 90 điều. Cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 6 điều: từ Điều 1 đến Điều 6);
Chương II. Hoạt động công nghiệp công nghệ số và sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (gồm 7 điều: từ Điều 7 đến Điều 13);
Chương III. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số (gồm 14 mục, 45 điều: từ Điều 14 đến Điều 58);
Chương IV. Thúc đẩy, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (gồm 5 mục, 27 điều: từ Điều 59 đến Điều 85);
Chương V. Quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số (gồm 2 điều: Điều 86 và Điều 87);
Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 3 điều: từ Điều 88 đến Điều 90).
TheoChinhphu.vn