Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế thành phố: Tuyên truyền, quán triệt về thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về kê đơn thuốc và tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng cho người bệnh, không tham gia hoặc thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo, lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân:
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân mua các sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp; khi có bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, kê đơn, quảng cáo thực phẩm chức năng, các cơ sở điều trị, nhà thuốc, quầy thuốc; xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm;
Phối hợp Sở An toàn thực phẩm thành phố trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng tại các bệnh viện và nhà thuốc có kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường rà soát, quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng; khi có bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm;
Kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo, đài, trên môi trường mạng (zalo, facebook, tiktok, youtube, google và các trang thông tin điện tử…) thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của ngành; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo (quảng cáo khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo; quảng cáo sai sự thật hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận; việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng...);
Công khai tên cơ sở vi phạm, nội dung vi phạm để người dân được biết và tránh mua phải các sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Công Thương: Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng.
Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện: Phổ biến, thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và thông qua hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật... Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn quản lý.
Nguyễn Kiên