Nhiều cột điện bị nghiêng, gãy
Cụ thể, EVNCPC giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể như diễn biến của đợt thiên tai vừa qua. Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực.
Được biết, bão số 5 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho các tỉnh miền Trung, nhất là Thừa Thiên Huế; trong đó lưới điện cũng bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi bão tan, EVNCPC đã hoàn thành khôi phục cấp điện trong vòng 24 giờ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Ngành điện huy động tổng lực khắc phục sự cố
Riêng tại Thừa Thiên Huế, để khắc phục sửa chữa lưới điện, EVNCPC đã huy động 6 Công ty Điện lực: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung và 06 doanh nghiệp xây lắp điện trên địa bàn với hơn 500 kỹ sư, công nhân và hơn 100 phương tiện làm việc cả ngày lẫn đêm để sớm cấp điện trở lại phục vụ nhân dân tỉnh TT Huế. Đến nay, sau 5 ngày, lưới điện tỉnh TT Huế cơ bản đã được phục hồi.
Nặng nhất là TT Huế khi hơn 270 cột điện bị gãy đổ
Về thiệt hại, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng, trong đó có 304 cột bị gãy. Nặng nhất là Thừa Thiên Huế, có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bê tông dự ứng lực.
Về thông tin chất lượng cột điện bê tông dự ứng lực kém chất lượng, EVNCPC ch biết đã tiến hành rà soát. Theo đó công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu đúng quy định. Các cột điện được thiết kế, sản xuất đáp ứng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Tuy nhiên, PC Thừa Thiên Huế cho biết thêm, mặc dù đây là cơn bão được đánh giá là có cường độ chưa mạnh (cấp 7, cấp 8) nhưng đã gây gãy đổ rất nhiều cột điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) yêu cầu các cơ quan chức năng chuyên môn của ngành điện đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện tự nhiên của KV miền Trung có khí hậu khắc nghiệt, biến đổi bất thường mà cụ thể như diễn biến của cơn bão vừa qua và khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn đường dây (PECC1) cho biết: Trên thế giới, loại cột phổ biến đang dùng trong truyền tải điện là cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước (thép được kéo ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm bê tông mác cao để tạo ra cột).
cốt thép bên trong cột điện ly tâm dự ứng lực (hình ảnh EVN)
Việc nhiều cột điện cho là bê tông dự ứng lực bị gãy đổ trong bão số 5 vừa qua không nhìn thấy cốt thép bên trong, ông Hùng cho biết thêm: Trước hết, cần phải kiểm tra xem cột điện đổ là cột điện bê tông ứng lực trước hay bê-tông thường không ứng lực trước? Vì tiêu chuẩn Quốc gia TCVN: 5847-2016 áp dụng cho cả cột điện bê tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm.
... nhưng thực tế bên trong cột điện khi bị gãy đổ sau bão số 5
Nếu là bê tông ly tâm ứng lực trước, thì khi sản xuất, cốt thép được căng trước. Vì vậy, khi gãy cột điện, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê-tông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê-tông.
Cần đánh giá lại khoa học về cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực khi sử dụng ở miền Trung
Thật ra không phải “nhờ” bão số 5 người ta mới đặt dấu hỏi về cột điện bê tông dự ứng lực mà trước đó, ngay sau cơn bão năm 2016, hàng trăm cột điện ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị gãy đổ người ta cũng đã nêu ý kiến xem lại chất lượng của loại cột điện ly tâm này… Từ thực tế bão số 5, việc hàng trăm cột điện ngã đổ vừa qua, bên cạnh việc kiểm tra lại chất lượng các cột điện ly tâm người dân còn đòi hỏi các ngành chức năng cần phải xem xét, đánh giá lại một cách khoa học khả năng chống chịu mưa bão của các cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực trên địa bàn khu vực miền Trung hay gánh chịu bão lũ nặng nề.
Trần Minh Tích