Bộ y tế dự kiến đề xuất triển khai các đợt cao điểm chống buôn lậu dược liệu
Trước thực trạng này, Bộ Y tế dự kiến đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm đầu mối phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường xây dựng phương án ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu dược liệu, đặc biệt trong các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn, trong giai đoạn từ 2012-2016, các DN trong nước đã xuất khẩu khoảng 1 nghìn đến 5 nghìn tấn dược liệu các loại, với giá trị xuất khẩu đạt từ 15 đến 30 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu dược liệu chủ yếu là các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và một số nước châu Âu như: Pháp, Nga...
Tuy nhiên, thời gian qua, hiện tượng xuất khẩu lậu dược liệu và vận chuyển, xuất khẩu dược liệu tự nhiên qua biên giới theo đường tiểu ngạch có dấu hiệu gia tăng. Hoạt động này đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên cây thuốc, suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên cây thuốc, suy giảm đa dạng sinh học và có thể làm biến mất nhiều loại cây thuốc quý hiếm …
Trong dự thảo Báo cáo công tác phát triển dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của Bộ Y tế chỉ ra việc xuất khẩu lậu dược liệu qua đường tiểu ngạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh dược liệu, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên dược liệu, đặc biệt là các cây dược liệu quý hiếm. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ để thống nhất giữa các Bộ trong quản lý xuất khẩu dược liệu tránh tình trạng lợi dụng xuất khẩu dược liệu theo hình thức xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Báo cáo của Bộ Y tế, cũng chỉ ra việc nhập lậu dược liệu đang diễn ra một cách phức tạp, thường núp bóng với hình thức nhập hoa quả khô (nông sản) theo đường chính ngạch; vận chuyển lậu dược liệu qua đường mòn, lối mở. Dược liệu với giá rẻ, chất lượng kém nên dược liệu nuôi trồng trong nước không thể cạnh tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng dược liệu trong nước và nguy cơ không kiểm soát được chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, sức khỏe con người.
Tính đến tháng 12/2016, cả nước có khoảng 226 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền với 406 số đăng lý thuốc dược liệu… Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất thuốc trong số 61 DN được cấp phép cho thấy sử dụng khoảng 14 đến 15 nghìn tấn dược liệu/năm…
Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch từ các nguồn dược liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Nguồn dược liệu có xuất xứ từ Việt Nam thường được khai thác tự nhiên hoặc trồng với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được về số lượng và giá cả. Hàng năm Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh và hệ thống các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã tiến hành lấy và kiểm tra chất lượng khoảng 40 nghìn mẫu thuốc, trong đó có khoảng 7 nghìn mẫu dược liệu và thuốc từ dược liệu. Căn cứ trên kết quả lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc, Cục Quản lý dược đã tiến hành thu hồi các lô thuốc không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, với đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc nên việc kiểm soát mặt hàng dược liệu nhập khẩu rất khó khăn, đặc biệt là kiểm soát dược liệu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, vận chuyển qua lối mòn…
Trong thời gian tới, cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và DN trong quá trình triển khai nuôi trồng và khai thác dược liệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, hạn chế xuất khẩu dược liệu thô. Tăng cường hoạt đồng phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về dược liệu; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa ở các khu vực đường biên giới nhằm hạn chế việc vận chuyển lậu dược liệu qua các lối mòn, cửa khẩu phụ.
Xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở vi phạm quy chế kinh doanh và chất lượng, nguồn gốc dược liệu khi lưu hành trên thị trường và trong các cơ sở khám chữa bệnh; Tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành với lực lượng Biên phòng, Hải quan nhằm ngăn chặn việc khai thác tận diệt dược liệu, quản lý chặt xuất khẩu dược liệu khai thác tự nhiên; Xây dựng kế hoạch và chuyên đề phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về dược liệu với mục tiêu toàn dân tham gia phòng chống buôn lậu về dược liệu…
PV