THCL Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389/QG nhận định: "Cần nhận diện những tồn tại trong buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là con người - xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã được quán triệt kỹ tới các ban chỉ đạo".
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia
Ông đánh giá như thế nào về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2016?
Theo đánh giá, trên tất cả các tiêu chí đều cao hơn năm 2015. Dưới sự chỉ đạo của BCĐ 389/QG, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015. Kết quả đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm, tăng 8,23% so với năm 2015; số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng, tăng 59,23%; khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng... Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội (riêng 02 tháng đầu năm 2017), phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm, trong đó đã khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan.
BCĐ 389/QG đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, qua phân tích đã chuyển 114 tin báo có cơ sở đến các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền để xử lý theo quy định. Điển hình: Chuyển Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu phía Nam (C74B) kiểm tra, bắt giữ 90.000 bao thuốc lá lậu hiệu Jet và Hero tại xã Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh); chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra, xác minh đối với 21 container (chứa trên 10 triệu bao) thuốc lá ngoại có dấu hiệu vi phạm tại cảng Quy Nhơn (Bình Định).
Kết quả cao đó là do chúng ta nhận diện được và tích cực xử lý các vụ việc vi phạm.
Tuy nhiên, số vụ việc năm sau vẫn cao hơn năm trước, diễn biến còn phức tạp nên chúng ta tiếp tục phải đẩy mạnh, nâng cao trách nhiệm để làm sao phát hiện và xử lý đến mức đối tượng phải dừng lại và lùi bước. Đây là những yêu cầu rất quan trọng đối với Chính phủ, BCĐ 389/QG giao cho các lực lượng chức năng.
Để quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh, cần có những kế hoạch và hành động cụ thể ra sao?
Nhận diện về vấn đề buôn lậu thuốc lá, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 30. Nhận diện về vấn đề hàng hóa liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng là thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, Trưởng BCĐ 389/QG đã có Công điện 90. Nhận diện về vấn đề sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật, đã có Kế hoạch 01 của BCĐ 389/QG. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để nhận diện thêm một số mặt hàng khác như buôn lậu xăng dầu. Đặc biệt, vấn đề liên quan tới mặt hàng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng (thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…), cần có những chỉ đạo mạnh hơn nữa của Chính phủ đối với thuốc, thực phẩm chức năng.
Vẫn còn nhiều tồn tại khiến kết quả công tác đấu tranh chưa như mong đợi?
Tất cả các cơ quan, đơn vị chức năng đều phải đánh giá nghiêm túc những tồn tại của mình trong năm 2016. Phải tìm ra được nguyên nhân khách quan và quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan. Chúng tôi đang suy nghĩ và cần phải nhận thức đầy đủ đó là ý thức trách nhiệm của người thi hành công vụ trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389/QG.
Nếu người thực thi công vụ các đơn vị đều có trách nhiệm, tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt hiệu quả cao trong công tác này.
Về vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu, BCĐ có ý kiến đề xuất với Chính phủ như thế nào?
Từng sự việc cụ thể, cần có sự kiểm tra một cách đầy đủ, có tính khách quan toàn diện và xem xét thái độ của các lãnh đạo đối với từng vụ việc, đối với từng công chức, từng đơn vị theo sự phân công quản lý.
Hầu hết, các đơn vị đều có cơ chế cụ thể, phải xây dựng văn bản chỉ đạo từng đơn vị phải phù hợp thực tiễn trên cơ sở tuân thủ chỉ đạo của cấp trên.
Mặc dù vậy, trên thực tế, còn không ít hiện tượng cán bộ bao che, tiếp tay… cho buôn lậu, hàng giả nhưng chưa được xử lý triệt để?
Cần nhận diện những tồn tại trong buôn lậu, gian lận thương mại như cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; các lực lượng chức năng phối hợp chưa chặt chẽ. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là con người - cần xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã được quán triệt kỹ tới các ban chỉ đạo.
Trên thực tế, có những vụ phát hiện được và đã xử lý nghiêm như vụ liên quan đến cán bộ hải quan An Giang. Khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam, truy tố nhiều cán bộ hải quan truy cứu trách nhiệm hình sự. Các lực lượng khác khi phát hiện biểu hiện tiếp tay có thẩm tra xác minh. Có vụ không đủ căn cứ nhưng tiềm ẩn nguy cơ thì đều tính toán điều động luân chuyển. Năm nay, BCĐ 389/QG phải xây dựng quy chế trách nhiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, phải xem xét trách nhiệm.
BCĐ 389/QG sẽ tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hà (Thực hiện)