Ông N.-R. CHENAL hỏi, trong một nhãn rượu có nhiều ngôn ngữ mà không có phòng công chứng tư nhân nào thực hiện được thì doanh nghiệp làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP?
Nếu trên nhãn có 5 thứ tiếng đồng nghĩa thì dịch thuật và công chứng cả 5 thứ tiếng đó, bởi 5 đơn vị công chứng khác nhau hay chỉ dịch thuật và công chứng 1 trong những thứ tiếng đó?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm 3 Khoản 2 Điều 5 Nghị định số ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch tiếng Việt và được công chứng (sau đây gọi tắt là dịch công chứng).
Như vậy, trường hợp nhãn gốc sản phẩm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch công chứng để bảo đảm toàn bộ nội dung ghi nhãn được thể hiện đầy đủ, chính xác, trung thực và phù hợp với quy định về ghi nhãn sản phẩm theo quy định. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Đối với phòng Tư pháp hay phòng Công chứng tư nhân đáp ứng đủ các quy định của pháp luật về dịch và công chứng tiếng nước ngoài thì đều được dịch và công chứng. Đề nghị ông liên hệ với Sở Tư pháp trên địa bàn để có thông tin cụ thể.
Trên nhãn sản phẩm có nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cần thực hiện việc dịch công chứng để bảo đảm nội dung bằng tiếng nước ngoài được dịch tiếng Việt.
Công ty cần thực hiện việc dịch công chứng ngôn ngữ chính thể hiện trên nhãn sản phẩm bảo đảm tất cả các nội dung trên nhãn sản phẩm đã được thể hiện đầy đủ, chính xác bằng tiếng Việt để có căn cứ đối chiếu, xem xét sự phù hợp quy định của nhãn sản phẩm.
Trường hợp nhãn sản phẩm có 5 thứ tiếng đồng nghĩa nhau thể hiện toàn bộ nội dung ghi nhãn sản phẩm thì thực hiện dịch công chứng ngôn ngữ chính sang tiếng Việt.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ chuyển nội dung kiến nghị của ông đến Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (nay là Sở An toàn thực phẩm TPHCM) để xem xét, tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp.
C.P