Quy định tại Luật SHTT đối với nhãn hiệu: Từ “vướng” đến… “mắc”
Quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang đặt ra một số vấn đề, đòi hỏi cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hơn.
Về quyền đăng ký nhãn hiệu, quy định tại khoản 1 về việc “Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp” được hiểu là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thì có quyền đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, vì yêu cầu cải cách hành chính, người nộp đơn không phải nộp giấy tờ chứng minh hoạt động sản xuất, kinh doanh nên có nhiều trường hợp, cá nhân không hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đăng ký nhãn hiệu và có thể đã lấy mất cơ hội đăng ký nhãn hiệu (trùng/tương tự) của người khác có nhu cầu thực sự, thậm chí có một số trường hợp đầu cơ nhãn hiệu.
Ảnh minh họa
Quy định tại khoản 2 về quyền đăng ký nhãn hiệu của tổ chức hoạt động thương mại cũng không hợp lý, không rõ ràng, vì chỉ xét đến nhãn hiệu của nhà sản xuất mà không tính đến trường hợp tổ chức thương mại đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trên thực tế công ty thương mại có thể đặt sản xuất sản phẩm cho mình và sản phẩm đó mang nhãn hiệu riêng của công ty thương mại, do vậy, quyền đăng ký nhãn hiệu này thuộc về công ty thương mại mà không cần phải có sự khước từ quyền đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trường hợp công ty thương mại nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất thì phải được điều chỉnh bằng quy định về nộp đơn không trung thực theo khoản 3 Điều 96 Luật SHTT.
Về nhãn hiệu chứng nhận, theo quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật SHTT “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận…”. Với quy định này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cho là đáp ứng điều kiện để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương vì có trong tay bộ máy với đầy đủ các cơ quan chuyên môn có khả năng kiểm soát, chứng nhận các đặc tính, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ.
Có nhiều nhãn hiệu chứng nhận được cấp cho các chủ sở hữu là UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập liên quan đến việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về SHTT của UBND với quyền sở hữu, quản lý nhãn hiệu chứng nhận mà UBND là chủ sở hữu, vì UBND cùng một lúc giữ hai vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu quản lý tài sản. Ngoài ra, còn có vấn đề về trình tự, thủ tục và hình thức văn bản ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, như Quyết định của UBND có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, hay đây có phải là thủ tục hành chính hay không?...
Tất cả các vấn đề này cần được thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là giữa Bộ Tư pháp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể sản xuất các đặc sản địa phương, tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng với việc Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, đã nảy sinh những vướng mắc khác về quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể của chủ đơn là “tổ hợp tác” vì “tổ hợp tác” không còn là một chủ thể của pháp luật dân sự và có thể không đáp ứng điều kiện của một tổ chức tập thể. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để có hướng dẫn cụ thể hoặc sửa đổi quy định pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và chắc chắn cho các chủ thể đăng ký nhãn hiệu.
Về đối tượng bảo hộ, Điều 72 của Luật SHTT quy định một nhãn hiệu được bảo hộ phải “là dấu hiệu nhìn thấy được”. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập quốc tế, để chuẩn bị cho việc ký kết và thi hành các FTA, nhằm mục đích khuyến khích và thu hút đầu tư, hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi bảo hộ các đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu sang nhãn hiệu phi truyền thống (âm thanh, mùi, vị, hình động...). Vấn đề đặt ra là cần điều tra, khảo sát để đánh giá nhu cầu đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống, năng lực thẩm định của cơ quan SHTT cũng như khả năng phân biệt của người tiêu dùng đối với các nhãn hiệu đặc biệt này.
Về việc đánh giá tính phân biệt và khả năng gây nhầm lẫn của nhãn hiệu, “Khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” là tiêu chí chung để đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu trong việc xác lập quyền cũng như xác định yếu tố xâm phạm trong thực thi quyền. Tuy nhiên, yếu tố này dường như chưa được xem xét ở góc độ nhận thức thực tế của người tiêu dùng đối với một nhãn hiệu cụ thể. Chưa có quy định về đánh giá khả năng phân biệt/tính tương tự đến mức gây nhầm lẫn trong các trường hợp nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi, nhãn hiệu nổi tiếng.
Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định chi tiết về những trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt song vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, ví dụ dấu hiệu chỉ mang tính mô tả gián tiếp hoặc gợi ý thì có bị coi là “mang tính mô tả” không; có thể bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng khẩu hiệu thương mại (slogan) không; thời gian 5 năm để một nhãn hiệu đã hết hiệu lực là đối chứng để từ chối một nhãn hiệu khác có hợp lý không…
Về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn đã có quy định điều chỉnh vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó nêu rõ các tiêu chí đánh giá và tài liệu chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng là chưa đầy đủ và không hợp lý, không phù hợp với các khuyến nghị của WIPO: các thuật ngữ được sử dụng không thống nhất giữa khoản 20 Điều 4 về khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng (“được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”) với khoản 1 Điều 75 về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu (“người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu”); các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng mang tính định tính, không định lượng cụ thể, do vậy việc đánh giá dễ dựa trên cảm tính và hiểu biết cá nhân. Ngoài ra, vấn đề “suy giảm tính phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng” cũng chưa được quy định trong luật.
Gia Linh
Tin mới
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới Yên Bái
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái, trong ngày 15/9.
Thu giữ nguyên liệu sản xuất bánh trung thu hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc
Công an TP. Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường số 10 và các lực lượng chức năng vừa phát hiện, thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất.
Thanh Hóa kiểm soát thị trường Tết Trung thu
Dịp Tết Trung thu là thời gian mà nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Để đảm bảo các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đồng thời nhiều biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn.
Công bố quyết định thành lập công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam
Ngày 15/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam.
Quảng Ninh tặng 130 suất quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật và hỗ trợ 3 hộ dân bị ảnh hưởng do bão số 3
Ngày 15/9, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật; thăm hỏi động viên gia đình người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão số 3.
Gia Lai triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2127/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới