THCL Việc cho ngân sách vay tiền từ Quỹ bảo hiểm xã hội (QBHXH) ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến tiền tích góp của người dân có thể gặp “bất trắc”, nhất là khi 6 năm nữa, quỹ này có thể bị thâm hụt.
Ảnh minh họa
Thiếu tiền, cứ hỏi BHXH
Thông tin từ Bộ Tài chính, trong quý I/2016, bộ này muốn vay thêm 25.000 – 30.000 tỷ đồng từ BHXH Việt Nam. Lý do khiến Bộ Tài chính phải tính đến việc vay từ QBHXH là bởi các căng thẳng trong thu - chi ngân sách, đầu tư phát triển.
Việc này đang dấy lên nhiều nỗi quan ngại. Cách đây ít lâu, một con số được báo chí đăng tải cho thấy, trong hơn 435.000 tỷ tổng số dư nợ từ đầu tư, QBHXH chủ yếu dành cho ngân sách vay (324.000 tỷ đồng), cao nhất trong số các kênh đầu tư khác là mua trái phiếu chính phủ (45.500 tỷ), cho ngân hàng thương mại nhà nước vay (gần 60.000 tỷ), cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 6.000 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng QBHXH qua kết quả kiểm toán tại BHXH Việt Nam năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, tỷ trọng cho ngân sách nhà nước vay từ QBHXH trong các năm qua có xu hướng tăng dần: từ 41,99% năm 2010, lên 49,47% năm 2011; năm 2012 là 55,2% và năm 2013 là 63,2%.
Dù cho rằng việc cho ngân sách nhà nước vay là phù hợp với nội dung chỉ đạo của Hội đồng quản lý tại các nghị quyết năm 2013, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước thì: Thu từ lãi đầu tư các quỹ BH sẽ bị giảm đi và việc cân đối các quỹ BH cần được nghiên cứu vì cho ngân sách nhà nước vay với thời gian dài (10 năm), lãi suất thường thấp hơn cho các ngân hàng thương mại vay và đầu tư vào trái phiếu.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho hay: Nguyên tắc quản lý QBHXH là khi có kết dư thì phải tìm cách đầu tư để cải thiện khả năng sinh lời, qua đó nâng cao tính bền vững của quỹ.
Tuy nhiên, QBHXH không giống như quỹ đầu tư chứng khoán, tức là tiền quỹ chỉ được phép đầu tư vào các tài sản tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc và một số trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.
“Điều này cũng đúng với QBHXH Việt Nam. Điều quan trọng là vừa phải bảo đảm khả năng sinh lời, vừa phải bảo đảm an toàn và tính thanh khoản”, chuyên gia của Fulbright lưu ý.
Với những kênh đầu tư trên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn không đồng tình với việc cho ngân sách vay QBHXH. Bởi việc QBHXH cho ngân sách vay như vậy là không theo quy trình chuẩn và rất không minh bạch. Điều này vi phạm nguyên tắc quản lý QBHXH và cả ở góc độ ngân sách cũng vậy.
“Thiếu minh bạch, sẽ dẫn đến tâm lý ỷ lại. “Tâm lý ỷ lại nảy sinh ở cả 2 phía: Bộ Tài chính và Ban Quản lý QBHXH”, ông Tuấn nói.
Đối với Bộ Tài chính, bộ này tìm thấy nguồn tài chính mà việc tiếp cận quá dễ dãi như QBHXH, họ sẽ dễ lạm dụng trong hoạch định chính sách huy động nguồn thu và do vậy, dễ phát sinh động cơ “vung tay quá trán” trong các chính sách chi tiêu.
Nguy cơ vỡ QBHXH
Một trong những nguy cơ từ việc cho ngân sách vay QBHXH được các chuyên gia nhắc tới đó là vỡ quỹ. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), QBHXH có thể sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034 nếu không thực hiện cải cách. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải tái cấu trúc lại quỹ.
Nhưng theo các chuyên gia, Luật BHXH sửa đổi vừa qua lại dồn gánh nặng cải cách lên cho người lao động. Tức là, người lao động buộc phải lựa chọn giữa 2 phương án mà phương án nào họ cũng thiệt.
Phương án 1 là không bỏ thêm tiền thì quỹ sẽ vỡ và như vậy tương lai sẽ bấp bênh. Phương án 2 là bỏ thêm tiền để nâng khả năng chi trả của quỹ trong tương lai.
Như vậy, phương án nào thì người lao động cũng phải bỏ thêm tiền hoặc nếu không sẽ bị mất tiền. Trong khi đó, về phương diện quản lý quỹ thì chúng ta thấy không có giải pháp căn cơ nào cả.
“Việc cho ngân sách vay một cách tùy tiện như vậy chứng minh cho vấn đề này”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cũng không giấu sự lo ngại trước việc ngân sách vay từ QBHXH. TS. Doanh cho rằng: Nước Đức từng lâm vào phá sản kinh khủng là do vay từ quỹ BH, điều này khiến người dân mất hết. Cho nên phải nghiêm cấm vay từ quỹ BH, không được sa đà vào vấn đề này.
Để tăng cường khả năng cân đối của quỹ, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Điều quan trọng là phải xóa bỏ tư duy “hôm nay mình đóng BHXH để nuôi người về hưu hiện nay và tương lai con cháu sẽ đóng BHXH để nuôi lại mình”. Cần chuyển sang tư duy mới là “tiền chúng ta đóng BHXH sẽ được đầu tư sinh lời để nuôi chính bản thân chúng ta trong tương lai, chứ không phải là gánh nặng cho con cháu chúng ta”.
“Muốn vậy, phải đầu tư nguồn quỹ khi có kết dư một cách hiệu quả nhất. Việc đem tiền cho ngân sách vay với lãi suất thấp hơn mức bình quân thị trường với cùng độ rủi ro điều chỉnh thể hiện sự kém hiệu quả trong quản lý quỹ”, ông Tuấn cảnh báo.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: “Ngân sách chỉ nên được bù đắp bằng cách phát hành tín phiếu hoặc trái phiếu. QBHXH nếu có kết dư thì có thể phân bổ một phần vào danh mục trái phiếu này, thay vì cho vay mang tính phi chuẩn mực và thiếu minh bạch như thời gian qua”. |
Bùi Quyền